CEO CỦA GOOGLE NÓI VỀ NHỮNG BÀI HỌC ĐÁNG NHỚ TỪ MỘT VỤ IPO KHÁC THƯỜNG


Khi Google công bố về ý định phát hành cổ phiếu ra thị trường vào năm 2004, mọi sự quan tâm đều đổ dồn vào chiến lược bất thường này. Dưới đây là cách mà Google đã thực hiện.


 Người dịch: Bùi Hồng Hạnh – Học viện Ngân hàng
Tác giả: Eric Schmidt – là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Google.
Thẩm định: TS Phan Trần Trung Dũng – Đại học Ngoại thương

Chuyện xảy ra vào sáu năm trước, nhưng tôi vẫn nhớ như in hành trình để trở thành một công ty đại chúng của chúng tôi. Đó là một trải nghiệm mang đậm tính “Googley” mà cho tới ngày hôm nay, nó thể hiện nhiều điều về chúng tôi.

Một vụ IPO (Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) có thể thay đổi cả một công ty. Nhiều người trong ngành truyền thông có vẻ chắc chắn rằng nếu như chúng tôi trở thành công ty đại chúng, thì nét đặc trưng của Google sẽ không còn nữa. Một vụ phát hành cổ phiếu ra công chúng sẽ là “một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy đến với Google”, ông Danny Sullivan, biên tập viên của trang Search Engine Watch đồng thời là một nhà bình luận có tiếng trong ngành cho biết. Người ta dự đoán rằng chúng tôi sẽ đột nhiên bị phân chia thành những người giàu và những người nghèo dựa trên số lượng cổ phiếu của Google mà mỗi người nắm giữ. Những người giỏi sẽ bán cổ phiếu và nghỉ việc. Việc có thêm một mục tiêu mới là làm vừa lòng Phố Wall sẽ khiến cho chúng tôi đánh mất tính khách quan và sự độc lập đáng giá của mình. Việc phát triển cơ sở hạ tầng để trở thành một công ty đại chúng sẽ khiến chúng tôi nản lòng. Cuối cùng, người ta sợ rằng khi Google chuyển đổi từ một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng giá thành một công ty đại chúng trưởng thành, công ty sẽ đánh mất sự khác thường vốn khiến nó trở nên cách tân đến vậy.

Không chuyện nào trong số đó xảy ra. Và tôi tin chắc rằng về mặt cốt lõi chúng tôi vẫn là chính mình – chỉ là lớn hơn rất nhiều mà thôi. Mặc dù rất nguy hiểm khi nghĩ quá nhiều về một hướng, nhưng tôi cho rằng một trong số những lý do mà chúng tôi bấy lâu nay vẫn giữ được những giá trị của mình là ở chỗ chúng tôi không theo lối mòn khi trở thành công ty đại chúng. Larry Page và Sergey Brin, những người sáng lập của Google, đã mở đầu “Bức thư từ những Người sáng lập” của họ, vốn nằm trong bản cáo bạch IPO của chúng tôi, bằng câu, “Google không phải là một công ty kiểu truyền thống. Chúng tôi không có ý định trở thành một công ty như thế.” Sau đấy họ đã cảnh báo các nhà đầu tư tiềm năng rằng chúng tôi có thể đầu tư vào những dự án rủi ro có thể thành công – hoặc có thể không bao giờ thu được lợi nhuận. Việc lựa chọn một con đường để đi theo không phải lúc nào cũng tạo ra kết quả tốt nhất, và con đường đó có thể lắm chông gai. Con đường của Google đến với vụ IPO đó không hề bằng phẳng.

Công ty được thành lập vào năm 1998. Tôi bắt đầu làm việc ở công ty ba năm sau đó. Mặc dù khi đó chúng tôi phát triển rất nhanh, xét về cả số lượng nhân viên và doanh thu, chúng tôi không vội vàng trở thành công ty đại chúng. Nhưng với quy mô như thế, và, cụ thể hơn, thực tế là chúng tôi muốn rằng các nhân viên của mình phải có vốn cổ phần trong doanh nghiệp đang lớn mạnh này– vào đầu năm 2004 chúng tôi đã thấy bản thân có khả năng công bố kết quả tài chính theo luật chứng khoán của Mỹ. Vào thời điểm đó, những luật đó yêu cầu Google phải trở thành một công ty đại chúng khi đã có 500 cổ đông, và phải soạn thảo các báo cáo tài chính kèm theo trong vòng 120 ngày cuối năm, điều mà chúng tôi đã làm được.

Chúng tôi có thời gian đến cuối tháng 4/2004 để đưa ra báo cáo đăng ký cần thiết với Ủy ban Chứng khoán và Ngoại hối (SEC). Nhưng luật chứng khoán không đòi hỏi chúng tôi phải thực hiện IPO theo cách thông thường. Thực tế, đáng lẽ chúng tôi có thể trở thành công ty đại chúng mà không cần phải bán bất kỳ cổ phiếu nào cho công chúng.

Khi đó chúng tôi đối mặt với ba lựa chọn: chúng tôi có thể tái cơ cấu để trở lại mức dưới 500 cổ đông (về cơ bản, điều này có nghĩa là tìm cách để mua lại cổ phiếu từ các nhân viên của mình); chúng tôi có thể tiếp tục là một công ty tư nhân nhưng đồng thời phải báo cáo kết quả tài chính giống như bất kì công ty đại chúng nào khác; hoặc có thể trở thành công ty đại chúng. Không có gì ngạc nhiên, chúng tôi đã tìm ra một số phương án thay thế không theo kiểu truyền thống, ví dụ như phát triển một thị trường nội bộ cho cổ phiếu của Google do các nhân viên nắm giữ. Cuối cùng chúng tôi đã lựa chọn cách không thông thường đối với một công ty công nghệ được hỗ trợ bằng vốn đầu tư mạo hiểm và thực hiện IPO bằng cổ phiếu thường. Tuy nhiên, chắc chắn chúng tôi không muốn cơ cấu vụ IPO theo cách thông thường.  

Đấu giá kiểu Hà Lan

Chúng tôi đề cao bản thân về việc cố gắng làm mọi việc sao cho đúng, và chúng tôi coi quá trình trở thành một công ty đại chúng như là một bài kiểm tra IQ khổng lồ. Nên bán cổ phiếu như thế vào? Với mức giá nào? Nên nhờ ai? Cách tốt nhất – cách của Google – để thực hiện điều này là gì?

Khi tranh luận những câu hỏi đó, chúng tôi xem lại nhiều nhất có thể các dữ liệu về những vụ IPO trước đó để tìm ra và đồng ý về một vài điểm mà chúng tôi không thích về quá trình IPO thông thường. Chúng tôi không thích sự “đình đám” mà các công ty công nghệ thành công trải qua khi họ trở thành công ty đại chúng. Đối với chúng tôi, sự chênh lệch giữa mức giá IPO và giá cổ phiếu của một công ty vào cuối ngày đầu hay tuần đầu giao dịch có vẻ như là khoản tiền đáng lẽ phải do công ty đó nắm giữ. Nhưng thông thường thì, các tổ chức lớn có liên kết với nghiệp đoàn bao mua chứng khoán là nhóm duy nhất được phép mua những cổ phiếu với mức giá IPO, và họ bán ngay chỉ sau một vài ngày để thu được lời lớn. Điều đó phần nào không đúng lắm đối với Google. Chúng tôi muốn điều gì đó minh bạch và cởi mở hơn rất nhiều – và chúng tôi muốn người dùng của mình có cơ hội tham gia.

Khi chúng tôi xem xét các phương án thay thế, chúng tôi đi đến một cách tiếp cận được ủng hộ bởi WR Hambrecht, một ngân hàng đầu tư có trụ sở tại San Francisco, ngân hàng này lập luận rằng các vụ đấu giá là một cách thức tốt hơn để huy động vốn so với IPO được bảo lãnh kiểu truyền thống. Trong cái được gọi là một vụ đấu giá kiểu Hà Lan, một công ty sẽ thu thập các mức giá mua từ tất cả các nhà đầu tư có quan tâm và sau đấy nhóm lại dựa trên mức giá mà mỗi nhà đầu tư sẵn sàng trả. Công ty này (và các nhân viên ngân hàng liên quan) sau đấy sẽ dịch dần xuống từ mức giá mua cao nhất cho đến khi đạt được mức giá cao nhất mà tại đó nó có thể bán tất cả cổ phiếu mà nó muốn bán. Công ty này có thể chọn mức giá đó (hoặc một mức giá thấp hơn, vì nhiều lý do khác nhau) và sau đó bán tất cả cổ phiếu được chào mua với mức giá đã được chọn hoặc mức giá cao hơn ngay khi cổ phiếu được giao dịch trên sàn.

Chúng tôi khi ấy rất thích hướng tiếp cận này. Nó nhất quán với mô hình kinh doanh dựa trên đấu giá mà chúng tôi đã dùng để bán quảng cáo của mình, nên chúng tôi cảm thấy mình hiểu được những biến động cơ bản, vàddienos cũng có sức hấp dẫn mạnh mẽ về trực giác đối với chúng tôi. Chúng tôi cũng thích ý tưởng mở cuộc đấu giá mà mọi người có thể tham gia – các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng như những người mua là định chế kiểu truyền thống. Chúng tôi hy vọng rằng một vụ đấu giá sẽ thực hiện tốt hơn việc ấn định một mức giá cho cổ phiếu của mình so với cách tiếp cận truyền thống – và sẽ cho phép giá cổ phiếu của chúng tôi tiếp tục ổn định sau khi chúng tôi trở thành công ty đại chúng.

Tôi biết điều này nghe có thể vớ vẩn, nhưng chúng tôi đã kiên định đi theo hướng đấu giá kiểu Hà Lan sau khi nhận được một bức thư từ một người phụ nữ đứng tuổi – hoặc ít nhất là một người nào đó tự nhận mình là một người phụ nữ đứng tuổi. Bà ấy đã viết ra điều gì đó kiểu như “Tôi không hiểu tại sao mình không thể kiếm tiền từ vụ IPO của các ông theo cách mà những nhà môi giới chứng khoán sẽ làm.”

Khi đó chúng tôi cứ tưởng rằng bà ấy có ý kiến về sự công bằng cơ bản của hệ thống. Cho nên chúng tôi đã quyết định chấp nhận phiên bản mô hình Hambrecht của riêng mình, dù nó sẽ khiến cho vụ IPO của chúng tôi phức tạp hơn đáng kể. Không một công ty nào có quy mô như Google từng làm điều đó. Vụ đấu giá của chúng tôi sẽ có quy mô lớn hơn đáng kể so với các vụ IPO dựa trên đấu giá khác. Chúng tôi sẽ phải xây dựng những hệ thống để hỗ trợ quy mô tăng lên đó. Và những hệ thống đó sẽ cần được Ủy ban chứng khoán xem xét. Phố Wall cũng đã coi quyết định của chúng tôi là ngạo mạn. Nhà phân tích Henry Blodget đã viết trên báo Slate rằng, “Việc tham gia vào phiên đấu giá IPO của Google là đánh bạc chứ không phải là đầu tư, và kết quả khả thi nhất là lãng phí tiền bạc và thời gian.”

Không lùi bước, chúng tôi đã tìm cách cơ cấu vụ IPO của mình, và dừng việc truyền thông với giới báo chí. Những yêu cầu trong “thời kì chờ đợi” của Ủy ban chứng khoán đã ngăn chúng tôi nói về công việc kinh doanh của mình trong khoảng thời gian trước khi một vụ IPO có thể diễn ra. Theo những quy định này, các công ty được khuyến khích để đảm bảo rằng xét về mặt trọng yếu, chỉ có bản cáo bạch mới thể hiện bộ mặt của công ty. Vì Google là tiêu điểm của truyền thông trong suốt giai đoạn đó, người ta đua nhau chỉ trích hoạt động kinh doanh, ban quản trị, văn hóa, vụ IPO của chúng tôi – gần như tất cả mọi khía cạnh tạo nên chúng tôi. Và bởi chúng tôi vẫn cứ phải giữ im lặng, chúng tôi không thể tự vệ, đính chính thông tin sai lệch, hay cố gắng tái cam đoan đối với công chúng.

“Đừng ngần ngại trả giá trong vụ IPO ít có cơ hội thành công này”, một chuyên gia của báo BusinessWeek kết luận như vậy – một ẩn ý không-bất-thường. Nhưng chúng tôi không thể làm được gì nhiều để xử lý chuyện đó. Tuy nhiên vì chúng tôi vẫn giữ im lặng, chúng tôi nhận ra rằng người ta đã không thật sự biết được Google đã trở thành cái gì. Có một khoảng cách giữa những gì mà người ta viết về chúng tôi và thực tế.

Cuối cùng, chúng tôi đã công bố các số liệu tài chính, nhưng cho đến khi đó nhiều người vẫn cứ nghĩ chúng tôi là một bọn ngu (và có lẽ bây giờ họ vẫn nghĩ thế). Thực tế là, chúng tôi đã thật sự bắt đầu cất cánh.

Sự quên lãng

Khi hạn chót nộp hồ sơ sắp đến, chúng tôi vẫn còn lần mò sắp xếp các thứ. Ví dụ, chỉ một tuần trước hạn, chúng tôi nhận ra rằng ba thành viên hội đồng quản trị thì không đủ số lượng quản lý độc lập cần thiết để đáp ứng được tiêu chuẩn niêm yết trên sàn Nasdaq hay Sàn giao dịch chứng khoán New York. Cho nên chúng tôi đã nhanh chóng thêm ba người nữa. Chúng tôi cũng phải hứng chịu sự chỉ trích vì cách thức lựa chọn của mình để cơ cấu cổ phiếu phổ thông theo cơ chế hai tầng.  

Cả thế giới đã tìm hiểu về ngày nộp hồ sơ dự kiến của chúng tôi, thế nên vào cuối tháng Tư mọi con mắt của giới truyền thông đều tập trung vào Google. Tin tức liên tục, đài truyền hình ở trường đại học, những cuộc gọi không ngớt đến với đội truyền thông bị khóa miệng của chúng tôi, sự đầu cơ lan tràn của nhân viên – đó đúng là một khoảng thời gian đáng nhớ. Chúng tôi đã chính thức bị yêu cầu phải xuất trình số liệu tài chính vào hồi 2 giờ chiều ngày 29 tháng Tư. Nhưng chúng tôi đã thực hiện sớm hơn: chúng tôi đã thông báo với cả thế giới vào hồi 11 giờ sáng rằng chúng tôi đã trở thành công ty đại chúng. Điều đó đã khiến tất cả mọi người bất ngờ.

Quá trình IPO và hoạt động kinh doanh của chúng tôi sau đấy đã rơi vào quên lãng khi chúng tôi chờ đợi và sau đó là trả lời những bình luận của SEC về báo cáo đăng ký của công ty. Đây là một phần thông thường của quy trình, mặc dù nó khiến chúng tôi mất nhiều thời gian hơn so với các công ty khác vì SEC cũng phải làm quen với cách thức chúng tôi tạo ra phiên đấu giá của mình. Cuối cùng đội ngũ pháp lý và quản trị của chúng tôi đã làm việc từ tháng năm đến tận đầu tháng tám để giải quyết những vấn đề mà SEC quan tâm. Quyết định đưa một bức thư từ những người sáng lập vào bản cáo bạch đã không hoàn toàn giúp đỡ chúng tôi nếu xét về mặt bố trí thời gian. Bức thư của Larry và Sergey đã mô tả những giá trị mà theo đó chúng tôi dùng để hoạch định hoạt động kinh doanh của mình. Công việc của SEC là đánh giá sự hoàn thiện và chính xác của các báo cáo định tính cũng như định lượng được đưa ra trong bản cáo bạch. Cơ quan này thật sự không ở vị thế thích hợp để đánh giá và bình luận về các giá trị. Ủy ban đã bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng họ muốn chúng tôi phải bỏ bức thư ra khỏi bản cáo bạch, vì họ lo lắng nó sẽ khiến cho các nhà đầu tư tiềm năng bị rối loạn. Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm. Tôi khuyến khích bất cứ ai quay lại và đọc bức thư đó. Tôi thấy thật ấn tượng bởi sự thật rằng phần lớn những giá trị mà nó mô tả, sáu năm sau, vẫn là những giá trị thúc đẩy công ty chúng tôi.

Cho đến thời điểm này sự truyền thông của báo chí đã trở nên tiêu cực đến mức chúng tôi ngừng đọc báo – mặc dù tôi vẫn còn giữ tất cả những bài báo cắt ra. “Google đang đặt dấu chấm hết cho các vụ IPO công nghệ,” một nhà phân tích kết luận. Tôi cứ tưởng là tin tức không tốt thực ra lại giúp cho công việc kinh doanh của chúng tôi, vì nó thu hút sự chú ý. Doanh thu của chúng tôi phụ thuộc vào lưu lượng (traffic), và lưu lượng của chúng tôi đã tăng mạnh trong thời gian đó. Tôi cảm thấy hẳn là có một sự tương quan.

Khi đó chúng tôi đang trong quá trình trở thành một công ty đại chúng trong tháng Tám. Trước đó nhiều tháng chúng tôi đã biết rằng tháng Tám là một khoảng thời gian tệ để đại chúng hóa – Phố Wall về cơ bản là đang nghỉ lễ – nhưng dường như tất cả những sự trì hoãn của chúng tôi chắc chắn đã dẫn đến một vụ IPO xảy ra vào cuối tháng Tám. Và cứ cho là càng thêm thời gian thì càng gây ra nhiều vấn đề, chúng tôi không muốn trì hoãn đến tận tháng Chín. Do đó chúng tôi tiếp tục thực hiện và cuối cùng mọi việc đã đâu vào đấy.

Cho đến khi … ấn bản tháng Chín của Playboy vào đã gây chấn động dư luận. Hóa ra là Larry và Sergey có một bài phỏng vấn dài với tạp chí này hồi tháng Tư, và nó được xuất bản trong ấn bản này. Đó là một cuộc phỏng vấn rất chung chung (không có hình, tôi có thể nói thêm là như vậy), nhưng nó gần như đã hủy hoại cả vụ IPO.    

Tất cả những điều tồi tệ xảy đến

Vấn đề là ở chỗ cuộc phỏng vấn đó, tất nhiên là có đụng chạm đến những vấn đề kinh doanh, có thể đã vi phạm các nguyên tắc trong “giai đoạn chờ” mà tôi đã nhắc đến ở trên. Tất cả những điều tồi tệ xảy đến, và SEC xem xét việc ép buộc chúng tôi phải hoãn lại toàn bộ quá trình này. Một tháng trước đó, ủy ban này đã trì hoãn vụ IPO của Salesforce.com vì Salesforce đã xuất hiện trong một bài tiểu sử dài dòng trên Thời báo New York trong suốt giai đoạn chờ của công ty này. (Điều thú vị là, bài báo được giật tít “Không phải Google. Mà là một vụ IPO lớn khác”.) Bài viết đó, cùng với sự quảng cáo sau đó, đã khiến SEC buộc Salesforce phải trì hoãn đợt chào bán cổ phiếu của mình. Chúng tôi đã lo lắng rằng mình phải đối mặt với số phận tương tự.

Tôi ngồi với Larry và Sergy để làm rõ rằng đó không phải là lỗi của họ – rằng tôi hiểu trước đấy họ đã không nhận ra họ đã làm bất kì điều gì chính xác mà nói, là sai trái. Chúng tôi có rất nhiều việc để làm, nhưng trước hết tôi muốn đảm bảo rằng hai người họ thấy ổn về mọi thứ. Sau đấy, khi làm việc với các nhà quản lý tại ủy ban, chúng tôi đi đến một giải pháp: chúng tôi cho bài phỏng vấn với Playboy vào tập hồ sơ chính thức nộp lên SEC của mình dưới dạng phần phụ lục – có nghĩa là bất kỳ nhà đầu tư tiềm năng nào cũng có thể tiếp cận được.

Vào giữa tháng Tám sự trả giá bắt đầu, dựa trên biên độ giá IPO dự kiến đã được công bố từ 106 đô-la đến 135 đô-la một cổ phiếu. Đó là một môi trường khắc nghiệt: Nhiều công ty công nghệ đã quyết định là thị trường này không phù hợp và đã rút khỏi kế hoạch IPO của mình. Thực tế, sự trả giá cho cổ phiếu của chúng tôi không tốt cho lắm. Dường như chúng tôi ở trong tâm bão toàn những tin xấu: Bài báo trên Playboy trước đấy đã trở thành niềm vui của các nhà phê bình và người dẫn chương trình talk-show ở khắp nơi; chúng tôi đã phải chịu đựng hàng tháng trời bị giới truyền thông chỉ trích; chúng tôi đã phải đối phó với một cuộc điều tra của SEC về chương trình hợp đồng quyền chọn cho nhân viên; và kết quả hoạt động tài chính trong quý 2 tạm thời ngừng tăng trưởng, khiến cho các nhà phân tích nghi ngờ liệu chúng tôi có thể duy trì tốc độ tăng trưởng của mình hay không. (Những con số này đã sớm tăng mạnh trở lại.)

Thêm vào đó, Phố Wall đã nổi giận với chúng tôi. Khi theo đuổi mô hình đấu giá của mình, chúng tôi đã muốn thông tin đưa ra cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ phải nhất quán với những gì mà các nhà đầu tư tổ chức sành sỏi hơn nhận được. Các nhà đầu tư tổ chức đã quen với việc khai thác một vụ IPO công nghệ tiềm năng khi họ gặp gỡ những nhà lãnh đạo. Họ có lẽ không vui với một vài chi tiết chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với họ trừ bài thuyết trình của ban quản trị, là có sẵn trên mạng và cả nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhà đầu tư tổ chức đều có thể tiếp cận được. Điều đó không tránh khỏi việc chúng tôi tạo ra một video rất nghiệp dư (ghi hình bằng camera cầm tay) để giới thiệu đội ngũ quản lý của mình. Một cuộc họp nói riêng, cùng với sự tham gia của các nhà đầu tư quỹ tương hộ và quỹ phòng vệ tại khách sạn Waldorf-Astoria ở New York một ngày sau thông báo định giá của chúng tôi, đã bị chỉ trích thẳng thắn là không đủ nghiêm túc và sơ sài. (Điều đó cũng đúng thôi – xét trên cả hai khía cạnh).
Không có nhiều lệnh đặt mua, và nói thẳng là, chúng tôi tự hỏi liệu mình có phạm sai lầm khi lựa chọn hướng tiếp cận dựa vào đấu giá hay không. Có những vụ chào bán cổ phiếu quả thật đã xảy ra tại hoặc thấp hơn mức giá thấp nhất trong khoảng giá mà chúng tôi tiên lượng. Khi giai đoạn trả giá kết thúc, rõ ràng rằng chúng tôi sẽ không thể bán được tất cả cổ phiếu mà mình định bán trong khoảng giá như mong muốn. Tôi đã gặp gỡ hội đồng quản trị để bàn bạc liệu chúng tôi có thể trì hoãn vụ IPO và hi vọng sẽ có được giá cao hơn sau đó. Những tổ chức bảo lãnh cho chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể đóng vụ IPO với một mức giá vào khoảng 80 đến 90 đô-la một cổ phiếu nếu như giảm số lượng cổ phiếu chào bán – một kết cục đáng thất vọng. Cuối cùng chúng tôi đã quyết định đóng vụ IPO vì nhiều lý do, mà quan trọng nhất là vì đã đến lúc phải để việc này lại phía sau và quay trở lại với hoạt động kinh doanh. Cho nên vào ngày 18 tháng Tám chúng tôi đã đồng ý đặt giá ở mức 85 đô-la một cổ phiếu.

Sau đồng hồ đếm ngược

Chúng tôi đã bay xuyên đến New York để theo dõi cổ phiếu của mình bắt đầu được giao dịch trên sàn Nasdaq vào thứ Năm, ngày 19 tháng Tám. Chúng tôi đã xuất hiện vào buổi sáng hôm đó với đôi mắt đờ đẫn, ngày hôm đó tờ Wall Street Journal đã có bài trang đầu với tiêu đề “Sự tính toán sai và thói ngạo mạn đã phá hủy vụ IPO được chào đón của Google như thế nào,” và các nhà bình luận của CNBC đã hạ bệ chúng tôi trong buổi sáng. Tôi nhớ đến việc suy nghĩ khi chúng tôi tiến đến sàn giao dịch Nasdaq, chúng tôi đã thật sự kiệt sức.

Chỉ ngay sau khi phiên giao dịch bắt đầu, có một đồng hồ đếm ngược trên sàn: 5-4-3-2-1. Chúng tôi theo dõi giao dịch đầu tiên, nhưng nó không ở mức 85 đô-la – mà là 100 đô-la, tăng 18% so với giá IPO. Ai đó đã kiếm được tiền nóng. Bất chấp những nỗ lực của chúng tôi, người ta mua bán trong vòng một giờ, và kiếm được mức lời 15 đô một cổ phiếu nhanh chóng. Khối lượng giao dịch là khổng lồ. Cả ngày dài giá cổ phiếu không bao giờ giảm. Giá khi kết thúc ngày giao dịch là 100.30 đô-la.

Giờ đây chúng tôi đã là công ty đại chúng. Sợ hãi và kiệt sức, chúng tôi bay về nhà ở California. Đến ngày thứ hai tuần tiếp theo cổ phiếu của chúng tôi đã được giao dịch ở mức giá từ 105 đến 110 đô-la. Giờ đây giới báo chí tỏ ra phấn khởi đến khó tin. Thậm chí Thời báo New York cũng đã đắn đo trên trang chủ bút: “Google vẫn giữ thái độ đi ngược lại với truyền thống của Thung lũng Silicon…không  ở đâu mà thái độ đó thể hiện rõ ràng hơn trong cách mà công ty này theo đuổi để ra lệnh cho Phố Wall bằng những điều khoản bán của riêng mình, ngược lại với cách thông thường. Đây là một động lực đáng khen ngợi – IPO nhìn chung đã được cơ cấu để có lợi cho những người trong cuộc.”

Vụ IPO này đã tiêu tốn của chúng tôi rất nhiều thời gian và tâm trí đến mức tôi quyết định rằng chúng tôi cần phải kết thúc trước khi có thể trở lại với công việc kinh daonh thông thường. Thế vận hội khi đó đang diễn ra ở Athens đã chiếm trọn tâm trí chúng tôi. Tôi yêu cầu Omid Kordestani, một lãnh đạo cao cấp tại Google, một người có giọng nói tuyệt vời, phát biểu một điều phù hợp với Thế vận hội với đội ngũ quản trị để kết thúc sự thử thách này. Ông ấy đứng trong phòng ban quản trị mà chúng tôi vẫn dùng để họp và tuyên bố: “Giờ đây chúng tôi tuyên bố kết thúc vụ IPO của Google.” Tôi bảo mọi người trở lại làm việc. Với tư cách là đội ngũ quản trị, chúng tôi chưa từng nói về vụ IPO này kể từ đó.

 Vậy chúng tôi đã làm đúng điều gì? Điều gì chúng tôi đã làm sai? Cái đúng thì dễ dàng chỉ ra: trở thành công ty đại chúng là một trọng trách to lớn và đội ngũ tài chính, pháp lý, và ban quản trị của chúng tôi đã đặt ra nhiệm vụ này, tháo gỡ những khó khăn trên con đường của họ với sự bền bỉ, thông minh, và nhẫn nại. Cuối cùng, chúng tôi đã làm được, dù chúng tôi có vấp ngã khi mới chỉ bắt đầu hay không. Đối với cái sai: cho tới ngày hôm nay tôi cũng không thể giải thích đầy đủ tại sao giá cổ phiếu đầu phiên lại cao đến như vậy, dẫn đến sự chú ý mà chúng tôi trước đấy đã cố tránh. Nhiều yếu tố phức tạp góp phần vào chuyện này.

Đối với một CEO, kết quả là vấn đề đáng quan tâm nhất. Mặc dù cá nhân tôi muốn quản lý một công ty tư nhân (điều đó dễ dàng hơn), chúng tôi đã đưa ra quyết định trở thành công ty đại chúng, và Google cuối cùng đã thành công ngoạn mục vượt qua cả những mơ ước lạc quan nhất mà chúng tôi có.

Và những người phản đối đã nhầm. Chúng tôi đã không thay đổi. Về cơ bản mà nói, vẫn những con người đấy còn đang điều hành Google, theo những giá trị mà chúng tôi đã có như khi còn là một công ty tư nhân. Nếu bạn có những con người phù hợp và những giá trị phù hợp, và nếu bạn gắn với mục tiêu của mình, bạn có thể trải qua một quá trình như thế này, và duy trì sự gắn kết dưới dạng một công ty.

Dù cho toàn bộ quá trình khi đó thật điên rồ, tôi sẽ không thay đổi bất kì điều gì –có lẽ ngoại trừ cuộc phỏng vấn với Playboy.

(Bài báo này được xuất bản nguyên gốc dưới tên tiếng Anh: "Google’s CEO on the enduring lessons of a quirky IPO", Tạp chí Kinh doanh Harvard, số tháng 5, 2010.Bản quyền thuộc Nhà xuất bản trường Kinh doanh Harvard. Bản dịch này được thực hiện bởi The Keynesian Association.)

0 Response to "CEO CỦA GOOGLE NÓI VỀ NHỮNG BÀI HỌC ĐÁNG NHỚ TỪ MỘT VỤ IPO KHÁC THƯỜNG"

Đăng nhận xét

Xem nhiều nhất

Xem nhiều nhất trong tháng