KHỞI NGHIỆP TRONG LĨNH VỰC THỰC PHẨM SẠCH - LÀM THẾ NÀO ĐỂ QUẢN TRỊ HIỆU QUẢ?


Ngày nay, do chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch đã xuất hiện và ngày càng phát triển. Nắm bắt xu thế đó, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn lĩnh vực thực phẩm sạch để khởi nghiệp kinh doanh. Tuy nhiên, khi bắt đầu xâm nhập một thị trường mà niềm tin của khách hàng và chất lượng sản phẩm là vấn đề sống còn, việc quản trị doanh nghiệp với một quy mô nhỏ, chưa được chuẩn hóa thường tiềm ẩn nhiều khó khăn thách thức. Nhận thức được vấn đề đó, The Keynesian đã có một buổi gặp gỡ và trao đổi thân mật với anh Nguyễn Xuân Thành – nhà sáng lập Công ty V-GreenHT, một start-up trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm sạch tại Việt Nam.

Địa chỉ công ty: 203 Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, Hà Nội
Sản phẩm chính hiện nay: Rau mầm
Địa chỉ Facebook: Tại đây

The Keynesian: Chào anh, rất cảm ơn anh đã tham dự buổi phỏng vấn của chúng tôi. Anh có thể chia sẻ về mô hình kinh doanh của doanh nghiệp mình?

Nguyễn Xuân Thành: Bạn có thể thấy mô hình kinh doanh của chúng tôi thông qua chính cái tên V-GreenHT. Ở đây, từ “green” hàm ý sản phẩm của chúng tôi là các loại thực phẩm sạch, cụ thể ở đây chúng tôi sản xuất và cung cấp chủ yếu các loại rau củ quả sạch cho thị trường. Ngoài ra, chữ “HT” có nghĩa là “High Tech” – chúng tôi luôn đặt mục tiêu có thể áp dụng những công nghệ tiên tiến nhằm tự động hóa hầu như hoàn toàn quá trình canh tác rau củ quả, nhằm đem lại năng suất cao và chất lượng đảm bảo đồng đều trên từng  sản phẩm.

Hiện chúng tôi đang kinh doanh hai sản phẩm chính, nhằm mục tiêu quay vòng vốn nhanh, đó là rau mầm và giá đỗ. Rau mầm mất khoảng 7 ngày để quay vòng vốn, còn giá đỗ thì khoảng 5 ngày. Như đã nói ở trên, chúng tôi đang phát triển quy trình sản xuất rau mầm và giá đỗ được tự động hóa với mức độ ngày càng cao.

Chúng tôi được biết rau mầm là một sản phẩm khá mới đối với người tiêu dùng tại Việt Nam. Anh có nhận xét gì về đặc điểm của thị trường hiện tại? Và tình hình thị trường đó đặt ra thách thức gì cho các doanh nghiệp?

Đúng vậy, thị trường rau mầm hiện vẫn đang còn rất mới, đặc biệt là ở miền Bắc, còn ở miền Nam thị trường này phát triển sớm hơn và đã có một số người thành công. Cái mới ở đây tồn tại trong thói quen tiêu dùng, người tiêu dùng chưa từng biết đến rau mầm, vì vậy, họ sẽ không có một ý niệm  nào là sử dụng rau mầm trong bữa ăn, và họ khó lòng muốn mua sản phẩm. Cho nên, thách thức đặt ra là làm thế nào để tạo ra được nhận thức và thói quen sử dụng rau mầm cho người tiêu dùng, đây là một vấn đề đòi hỏi nhiều thời gian và công sức mới có thể giải quyết được. Tuy nhiên, tôi không nghĩ đây hoàn toàn là một thách thức, nó còn là cơ hội. Vì thị trường còn mới nên nó còn khá thoáng, tiềm ẩn nhiều vùng lợi ích để khai thác, và nếu chúng ta làm được, chúng ta sẽ là những người tiên phong.

Tuy nhiên, với một thị trường mới như vậy, và công ty đang trong quá trình kiến tạo nhận thức cho người tiêu dùng về rau mầm để làm nảy sinh nhu cầu của họ, hiện trên Internet lại xuất hiện nhiều thông tin trái chiều về rau mầm. Có một số nguồn tin cho rằng rau mầm có thể gây ngộ độc, vì loại rau này rất dễ bị nhiễm khuẩn và ngấm một số chất hóa học không tốt nếu sử dụng quá lưu lượng phân bón. Điều này có gây khó khăn gì trong việc kinh doanh của anh không? Anh đã có giải pháp gì để khắc phục?

Tôi nghĩ, những thông tin tốt sẽ tồn tại lâu dài, còn thông tin không hay sẽ chỉ thoảng qua như cơn gió. Sản phẩm rau mầm đã được sử dụng ở nước ngoài cách đây 20 năm và đã có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng. Vì vậy, lợi ích của rau mầm đã được khẳng định ở các nước khác. Còn ở Việt Nam, rau mầm mới xuất hiện từ năm 2009, và vấn đề tin đồn thất thiệt, tôi nghĩ qua thời gian nó sẽ tự mất đi. Tất nhiên, trong khoảng thời gian tin đồn còn, chúng ta vẫn phải chống chọi, bằng nhiều cách. Ví dụ, công ty cuả tôi kinh doanh rau mầm và giá đỗ. Có tin đồn trong khi người tiêu dùng chưa quen rau mầm, thì tôi đẩy mạnh mặt hàng giá đỗ. Giá đỗ ở Việt Nam thì đã quá quen thuộc rồi, nên mọi người vẫn chấp nhận thôi.

Còn thậm chí đối với giá đỗ, có cả những tin đồn thất thiệt nói rằng người ta sử dụng chất kích thích để giảm thời gian sản xuất. Cá nhân tôi nhìn nhận đây lại là một cơ hội, vì nếu tôi xây dựng được một thương hiệu mà làm cho người tiêu dùng tin rằng sản phẩm của tôi là sạch, là không sử dụng chất bảo quản, chất hóa học gây hại thì người ta sẽ mua sản phẩm của tôi nhiều hơn nữa.

Anh có thể chia sẻ về hệ thống phân phối sản phẩm của công ty tới người tiêu dùng? Anh có đánh giá gì về độ hiệu quả của việc phân phối đó?

Hiện kênh phân phối chính của công ty mình là các cửa hàng rau sạch nhỏ lẻ. Ngoài ra còn có kênh phân phối online, công ty có một fanpage chính thức trên Facebook, có đăng tải các hình ảnh và đơn giá sản phẩm, bạn chỉ cần gọi điện đặt hàng, bên mình sẽ ship hàng cho bạn, tùy theo số lượng và khoảng cách để tính phí. Tuy nhiên, với thói quen tiêu dùng rau của người Việt Nam là thường mua rau ở các cửa hàng, ở chợ hay siêu thị, bên mình vẫn tập trung nhất vào kênh cửa hàng. Còn kênh siêu thị, do lượng cung của bên mình chưa đủ lớn để đáp ứng, nên hiện cũng chưa phát triển kênh này.

Còn nói về độ hiệu quả, do công ty đang trong giai đoạn start-up, nên thực sự tôi chưa thấy hài lòng. Với một lượng hàng khá nhỏ, chúng tôi phân phối đến các cửa hàng nhỏ lẻ, và cứ 3 ngày chúng tôi sẽ đổi rau mới cho họ. Vì theo tính toán của chúng tôi, mặc dù sau 3 ngày rau mầm vẫn còn sử dụng được, nhưng người tiêu dùng khi mua rau về họ để sử dụng dần trong vài ngày sau đó nữa, nên phải đổi trả như vậy để đảm bảo độ tươi ngon nhất khi rau được tiêu thụ cuối cùng. Số rau phải đổi về chỉ có cách là tự chúng tôi sử dụng hoặc bỏ đi. Vì vậy, thực sự chúng tôi đã phải đánh đổi tính hiệu quả về mặt phân phối và chi phí để có được chất lượng, nhằm xây dựng niềm tin vững chắc cho khách hàng.

Xét đến vấn đề sản xuất, rau mầm có thời gian thu hoạch khá nhanh, chỉ khoảng 15 ngày. Với tần suất đổi trả như trên, có lẽ lượng rau mầm bị hỏng và phải bỏ đi rất lớn. Anh có kinh nghiệm nào để giảm thiểu lượng rau phải bỏ đi như thế không? Hoặc anh có cách nào để duy trì tồn kho ở mức thấp có thể chấp nhận?

Đây là một câu hỏi kinh điển trong quản trị công nghiệp. Tuy nhiên, không phải là không có cách giải quyết. Có một số chiến lược để chúng ta có thể khắc phục. Một là: hạ giá để thanh lý sản phẩm. Ví dụ, tôi sẽ hạ giá rau mầm đã để qua 3 ngày. Hai là: tập trung dự báo lượng cầu càng chính xác càng tốt. Ví dụ, nhu cầu ngày cuối tuần cao hơn ngày thường, ngày nắng gắt hay ngày mưa dầm giá rau ngoài thị trường cao thì khách hàng sẽ chuyển sang ăn rau mầm do có giá ổn định. Dự đoán được lượng cầu, chúng ta sẽ có kế hoạch sản xuất phù hợp và vì thế giảm được lượng tồn kho. Ba là: tìm một nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định và ngay lập tức. Ví dụ, đối với rau mầm, tôi có thể tìm các nhà hàng để cung cấp nguyên liệu. Với một lượng cầu không biến động mạnh như vậy, tôi cũng giảm được hàng tồn kho. Hoặc thậm chí hàng tồn kho lâu (nhưng vẫn sử dụng được nhé) bạn cũng có thể sử dụng cho mục đích marketing: dùng để cho, biếu, tặng, v.v...

Ngoài ra, còn nhiều cách khác, tùy theo sự sáng tạo của bạn.

Anh có thể chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và lưu kho hàng hóa của mình?

Chúng tôi đang cố gắng tự động hóa với mức độ cao nhất có thể quy trình sản xuất rau mầm. Hiện tại rau mầm của chúng tôi được trồng thủy canh, không sử dụng chất hóa học nào, chỉ gồm nước và hạt giống. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là tưới rau, nếu tưới không đúng giờ, không đúng liều lượng, rau sẽ bị hỏng. Hiện chúng tôi đã lắp đặt một hệ thống tưới nước được lập trình sẵn để người quản lý không phải chú ý đến giờ tưới rau, hệ thống sẽ tự động làm. Chỉ cần đặt hạt giống và điều chỉnh các điêù kiện cần thiết, đến thời gian thu hoạch thì lấy sản phẩm đóng gói. Nếu quy trình được đảm bảo chuẩn, chất lượng sản phẩm hầu như rất đồng đều, không đòi hỏi phải kiểm định kĩ. Còn hiện giờ quy trình vẫn đang trong giai đoạn chuẩn hóa, nên chúng tôi cũng phải tiến hành kiểm nghiệm khắt khe hơn. Ví dụ,đối với giá đỗ, tưới bao nhiêu lần một ngày là đủ? Tưới 1 phút hay 2 phút tốt hơn? Liều lượng tưới là bao nhiêu? Để đạt được điều kiện hiệu quả cần thử và thất bại rất nhiều lần.

Ngoài ra, thời tiết hiện giờ cũng là một nhân tố đang ảnh hưởng đến quy trình sản xuất. Tuy nhiên, trong tương lai, chúng tôi sẽ nghiên cứu thiết kế một quy trình sao cho việc sản xuất không bị ảnh hưởng bởi thời tiết nữa.

Chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp của anh sử dụng khá ít lao động vì nó ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, vẫn cần người làm các công việc quản lý, mà start-up thường có nguồn nhân lực khá hạn hẹp. Bình thường, nhà sáng lập hay mời những người mà mình quen biết, họ có một sở trường nào đó chứ chưa hẳn đã có chuyên môn sâu trong lĩnh vực đó. Vậy anh có những tiêu chí nào để lựa chọn con người phù hợp với những đầu việc đang đòi hỏi thực hiện?

Quả thực nhân sự là một vấn đề sống còn với start-up. Thậm chí có những khoảng thời gian start-up không thể có đủ tiền để trả lương cho nhân viên. Họ buộc phải có niềm tin để vượt qua những khó khăn như vậy. Vì vậy, start-up không tuyển quân – start-up tuyển tướng. Và việc tìm ra một vị tướng có tư duy quản trị tốt không phải chỉ là cho anh ta chạy bao nhiêu vòng hay cho anh ta làm một số việc nhất định. Tôi làm cách khác, tôi giao cho họ một vấn đề, để họ giải quyết. Tôi không biết họ sẽ thất bại hay thành công, nhưng cách họ làm việc, tâm huyết họ dành cho công việc, cách ứng biến của họ trước các tình thế biến đổi của công việc là điều tôi quan sát được. Những điều đó thể hiện họ có thể đi lâu dài với mình hay không. Và họ đến làm việc cho tôi, họ cũng nhận được lợi ích. Tôi luôn cố gắng xây dựng niềm tin trong họ, đặt ra một tương lai và cũng là mục tiêu để phấn đấu một cách rõ ràng và khả thi nhất. Ví dụ, ngành kinh doanh của tôi là ngành thực phẩm xanh – sạch, tôi chỉ cần chứng minh cho họ thấy là thị trường đang còn rất rộng lớn và vạch ra được một tương lai phát triển rõ ràng cho công ty.

Với một start-up đang trong quá trình hình thành và chuẩn hóa, chắc chắn mâu thuẫn sẽ xảy ra rất nhiều giữa các thành viên. Vậy anh có cách nào để giải quyết những mâu thuẫn đó?

Tôi nghĩ câu chuyện đơn giản là mâu thuẫn sinh ra phát triển. Còn về giải quyết mâu thuẫn, chúng tôi không cần tranh cãi nhiều. Trước vấn đề, mỗi người đều có một ý kiến riêng, ai muốn thực hiện trước thì thực hiện, nếu thất bại, thì những người khác lại tiếp tục thực hiện ý kiến của mình, rút kinh nghiệm và làm lại, đến khi nào thành công thì thôi.

Ví dụ, khi thiết kế hệ thống tưới nước, một người muốn tưới nhiều nước, khoảng 10 lần/ngày. Người khác lại có ý kiến là tưới chỉ 2 lần/ngày thôi. Tôi chỉ hỏi là ai dám chịu trách nhiệm với ý kiến của mình, nếu dám thì thực hiện. Sau đó tôi cho anh ta thực hiện, nếu thất bại, thì rút kinh nghiệm, đến lượt người khác áp dụng ý kiến và kinh nghiệm rút ra, đến khi nào thành công thì thôi. Tôi nghĩ tất cả mọi người đồng ý là một điều nguy hiểm, vì tất cả sẽ cùng chết với nhau.

Nếu không tránh được sai lầm thì sai lầm thật nhanh và sửa.

Vậy trong giai đoạn mới bắt đầu như thế này, start-up chắc hẳn đã gặp rất nhiều khó khăn. Có khó khăn nào mà anh thấy trăn trở nhiều nhất không?

Có rất nhiều khó khăn: khó khăn về vốn, khó khăn về thị trường, khó khăn về nguồn nhân lực. Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là bản thân mình, bản thân mình cũng phải đối mặt với rất nhiều lựa chọn khác bên cạnh con đường start-up, có thể đó là cơ hội làm việc trong các tập đoàn danh tiếng, hay học bổng để học PhD, những con đường dễ dàng hơn nhiều so với việc theo đuổi một doanh nghiệp nhỏ và chưa thấy tương lai một cách rõ ràng. Mình phải chấp nhận sự không an toàn, vì start-up là không hề an toàn.

Ngoài ra, gia đình cũng là một vấn đề. Bố mẹ luôn lo lắng cho mình, luôn muốn mình đi trên một con đường dễ dàng hơn. Rồi tư duy của họ cũng khác. Ví dụ, tôi bán rau sạch. Ở thời buổi của bố mẹ tôi, rau sạch không thiếu, nhưng đến giờ thì không ai tin đó là rau sạch. Nên việc giải thích về cơ hội kinh doanh của tôi trong lĩnh vực này với bố mẹ là điều rất khó.
Rồi thực tế có những thất bại khiến tôi đôi lúc cũng thấy xuống tinh thần. Ví dụ, khi tôi thử nghiệm quy trình làm giá đỗ, trong vòng nửa tháng liên tục, cứ mỗi sáng tôi lại phải bỏ đi 10kg giá đỗ. Và mùi giá đỗ hỏng thì rất kinh khủng. Bản thân mình nhìn đã ức chế rồi, nhưng bố mẹ thì còn ức chế hơn, và tỏ ra rất khó chịu. Nhưng làm đi làm lại giá đỗ vẫn chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, tinh thần lạc quan là, khó khăn là thứ để ta học hỏi, và học hỏi rồi thì sẽ không gặp khó khăn đó nữa. Đến giờ giá đỗ cuả tôi đã có tỷ lệ hỏng được giảm bớt, và đang tiếp tục nghiên cứu để giảm tỷ lệ hỏng xuống mức tối thiểu.

Đúng là chỉ có trải qua gian nan con người ta mới trưởng thành. Vậy qua quãng thời gian xây dựng start-up của mình, bài học gì anh cho là quý báu nhất?

Bài học đầu tiên tôi học được đó là dám nghĩ dám làm. Và đã bắt tay vào làm rồi thì tôi coi như đã thành công một nửa. Vì quá trình từ khi viết kế hoạch đến khi thực thi có rất nhiều thay đổi lớn, thay đổi đó khiến ta phải nỗ lực học hỏi nhiều hơn và xử lý mọi chuyện sao cho có lợi nhất. Khi thành lập doanh nghiệp, tôi mới biết đến thuế doanh nghiệp tính ra sao, rồi cả vấn đề bảo hiểm xã hội, biết đến cả thị trường rau có đặc điểm như thế nào, v.v... Có rất nhiều điều mà chỉ có xắn tay vào làm mới thấm.

Cái thứ hai mà tôi thấy hay nhất ở start-up là niềm tin của bản thân. Chúng tôi thuộc thiểu số. Mỗi bị người ta nói, tôi chỉ nhớ đến một câu: “Người cười ta vì ta không giống họ, ta cười họ vì họ quá giống nhau”. Vậy khi muốn làm cái gì, nếu tự đánh gía được là tầm nhìn mình đúng, hành động mình đúng thì cứ thế mà đi, chưa chết là được.

Quả thực, ở những người làm start-up, việc vượt qua những trở ngại tinh thần để từ bỏ nhiều điều và chấp nhận khó khăn để gây dựng một doanh nghiệp là những điều đáng trân trọng và ngưỡng mộ. Chúc anh luôn giữ vững niềm tin và góc nhìn khoa học như anh thường làm: thử - sai – rút kinh nghiệm và thử tiếp để lãnh đạo doanh nghiệp của mình. Rất cảm ơn anh đã tham gia buổi phỏng vấn! 


1 Response to "KHỞI NGHIỆP TRONG LĨNH VỰC THỰC PHẨM SẠCH - LÀM THẾ NÀO ĐỂ QUẢN TRỊ HIỆU QUẢ?"

  1. ►►►Làm thế nào để định vị bản thân, xác định hình mẫu trở thành và từng bước từng bước thực hiện các công việc, chiến lược nhằm sớm đạt được thành công như họ. GIÚP BẠN THIẾT KẾ ƯỚC MƠ CỦA BẢN THÂN
    ►►►Làm thế nào để xây dựng một MÔ HÌNH KINH DOANH (BUSINESS MODEL) TRỰC TUYẾN giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn với thời gian làm việc ít hơn
    ►►►Làm thế nào để tạo ra Danh sách Email và biến nó trở thành cỗ máy kiếm tiền tự động
    ►►►Làm thế nào để chuyển đổi khách hàng tiềm năng (LEADS) thành người mua hàng đem lại dòng tiền định kỳ và hoàn toàn tự động.
    Bạn sẽ biết chính xác về PPC, CPC, AVV, EPC, SEO và quan trọng hơn cả là làm sao sử dụng chúng để thúc đẩy kinh doanh, thúc đẩy tiến trình tạo nguồn thu nhập hàng nghìn đô la mỗi tháng
    ►►►Bạn sẽ biết chính xác các mô hình, chiến lược "ĐẦY ĐỦ" áp dụng cho các hệ thống khách nhau như Amazon, ClickBank, JVZoo, Teespring, Adsense, Youtube...
    Và nhiều hơn thế nữa...
    Tất cả sẽ có tại ‪#‎internetbussinessworkshop‬
    www.internetmaster.vn

    Trả lờiXóa

Xem nhiều nhất

Xem nhiều nhất trong tháng