SỰ THIẾU HỤT ÓC PHÁN ĐOÁN - KỲ 2 (KẾT THÚC)


Nhiều người vẫn giễu cợt lối tư duy lạc quan vốn vẫn hy vọng rằng “mọi thứ lần này sẽ khác”, nhưng trong một nền kinh tế mạo hiểm, thì mọi việc quả là như vậy. Các mô hình thống kê không xét đến tính đặc thù của mỗi sự kiện, mà coi chúng như những trái banh trong chai chỉ khác nhau về đường kính hay màu sắc.

Sự trỗi dậy của hoạt động ra quyết định mang tính máy móc

Cách thức người ta đưa ra các quyết định theo hướng từ trên xuống cũng quan trọng như việc vấn đề gì được quản lý theo kiểu tập trung. Những người lãnh đạo có thể đưa ra đánh giá theo trường hợp cụ thể – hãy nghĩ tới những đánh giá của Henry Ford hay chỉ lệnh đặc trưng của Anna Wintour – tổng biên tập tạp chí Vogue – về thiết kế sản phẩm. Thay vào đó, những quy tắc mang tính máy móc được đưa ra để áp đặt thực thi quyền kiểm soát: Bảng yết giá hoặc các công thức có thể thay thế sự linh hoạt và óc phán đoán về giá cả của người bán hàng.

Những xã hội và tổ chức năng động kết hợp sự đánh giá theo trường hợp cụ thể với ít nhiều các quy tắc cố định, cũng giống như khi họ học cách cân bằng giữa quyền kiểm soát và quyền tự trị. Ví dụ, khi đưa ra quyết định về tiền thưởng, nhiều tổ chức thường kết hợp xem xét đánh giá của người quản lý về hiệu quả làm việc của cấp dưới và sự thể hiện của các nhân viên, dựa trên những mục tiêu có thể đo lường được. Hệ thống pháp lý phụ thuộc vào tiền lệ cũng như các quy tắc đã được ấn định, kết hợp với việc xem xét thực tế trong từng tình huống. Thầy thuốc phải đưa ra những đánh giá tại chỗ, nhưng họ cũng thấy rằng việc dựa vào bảng liệt kê những mục cần kiểm tra có thể giúp giảm đáng kể các sai sót trong phòng phẫu thuật.

Cuộc cách mạng công nghệ thông tin này đã thay đổi cán cân giữa đánh giá và quy tắc, mang lại cú hích mạnh mẽ về kinh tế và tâm lý cho hoạt động đưa ra quyết định không sử dụng đánh giá cá nhân. Nếu như máy tính Deep Blue của IBM có thể được lập trình để đánh bại kỳ thủ thế giới và máy tính Watson của hãng này có thể học cách chiến thắng trong cuộc thi Jeopardy!, thì chúng còn có thể làm được gì nữa? Trong một số trường hợp, máy tính rõ ràng đã thể hiện sự vượt trội so với khả năng phán đoán của con người. Máy tính tốn ít nguyên vật liệu hơn trong khi cắt vải và da để sản xuất áo hay giầy. Chúng cũng giỏi hơn con người trong việc tận dụng cả một đội xe tải lớn, dàn mạch điện trong thiết kế chip, quản lý nhà máy điện kim.

Khả năng vượt trội của máy tính khi thực hiện các phép toán và mô phỏng thường mang lại nhiều lợi thế trong việc kiểm soát những đối tượng bị động hoặc vô tri, vốn tuân theo những quy luật của tự nhiên (hoặc trong một số trường hợp là logic hình học hoặc tư duy diễn dịch) và vốn không cố can thiệp vào những gì các chương trình máy tính mong muốn đạt được. Sự quản lý tự động hóa công việc của con người sao cho hiệu quả thì lại xa vời hơn nhiều.

Do những quy luật của tự nhiên và suy luận toán học không thể tiên đoán được cách hành xử, các thuật toán được xây dựng dựa trên những mô hình thống kê. Nhưng dù những mô hình này có phức tạp về mặt kinh tế lượng đến đâu, rốt cuộc thì chúng cũng chỉ là một dạng thức đơn giản hóa của lịch sử, một bản tóm tắt bằng số học cho những gì xảy ra trong quá khứ. (Những giả định đơn giản hóa của phần lớn các mô hình thống kê trong thực tế lớn đến mức chúng hầu như không bao giờ có thể tái dựng thành công dữ liệu trước đó được dùng để xây dựng nên chính các mô hình đó.) Những mô hình này mở ra nhiều xu hướng và kiểu mẫu lặp lại, nhưng trong một xã hội năng động với vô vàn con người dám nghĩ dám làm và luôn sáng tạo đưa ra nhiều lựa chọn khôn ngoan, chúng không thể đưa ra tiên đoán đáng tin cậy.

Nhiều người vẫn giễu cợt lối tư duy lạc quan vốn vẫn hy vọng rằng “mọi thứ lần này sẽ khác”, nhưng trong một nền kinh tế mạo hiểm, thì mọi việc quả là như vậy. Các mô hình thống kê không xét đến tính đặc thù của mỗi sự kiện, mà coi chúng như những trái banh trong chai chỉ khác nhau về đường kính hay màu sắc. Hơn nữa, các mô hình thống kê về cách hành xử của con người có xu hướng chú trọng vào một số ít biến. Tuy nhiên, việc bỏ qua các tính chất chỉ xảy ra một lần và sự đa dạng trong từng tình huống, về cơ bản là không phù hợp với cơ chế hoạt động của một nền kinh tế phi tập trung. Như Hayek đã chỉ ra vào năm 1945, sự bất lực khi xử lý thông tin theo trường hợp cụ thể khiến cho các tổ chức tập quyền kém linh hoạt.

Thậm chí những công ty lúc đầu hoạt động suôn sẻ cũng có thể trở thành nạn nhân của chính thành công của mình, vì các công ty khác sẽ nhanh chóng bắt chước những sáng kiến thành công của họ. Các chương trình quản trị lợi tức nhằm chất kín hành khách lên máy bay hoặc phương pháp sabermetrics[1] chú trọng số lượng dùng để quản lý một đội bóng chày (Như được mô tả trong cuốn Moneyball của Michael Lewis) có thể có hiệu quả rất tốt đối với những hãng hàng không hay đội bóng đầu tiên áp dụng chúng, nhưng sẽ dần mất đi hiệu quả khi áp dụng trên diện rộng. Hơn nữa, không giống như những đội máy bay hay các quân cờ, con người ta không phải không dễ bị kiểm soát. Họ học cách chơi khăm những chương trình muốn tìm cách điều khiển hành vi của họ.Tuổi đời của một mô hình máy móc nhằm kiểm soát hành động của con người là tương đối ngắn.

Điều này không có nghĩa là các chương trình kiểm soát thống kê và khai thác dữ liệu là vô dụng trong các công việc có yếu tố con người. Chúng hoàn toàn có thể bóc trần những giả thuyết và định kiến sai lầm cũng như đề xuất các quy tắc theo kinh nghiệm [2] mới. Phải đối mặt với rất nhiều lựa chọn (ví dụ như khi hàng nghìn ứng viên cho chỉ một công việc), chúng có thể sàng lọc danh sách một cách nhanh chóng và khách quan. Nhưng những tiên đoán về hành động của con người dựa trên những kiểu mẫu thống kê lại nguy hiểm khi được sử dụng để thay thế cho việc đánh giá kĩ lưỡng theo trường hợp cụ thể. Dù sao chúng vẫn còn được ưa chuộng. Điều này thể hiện rõ ràng – hay nguy hiểm nhất – trong ngành tài chính.

Ngành tài chính cứng nhắc

Trong một nền kinh tế mạo hiểm, những lựa chọn mang tính phi tập trung, chủ quan của những người tạo nên những đổi mới cũng như người sử dụng chúng đòi hỏi phải có những ý kiến phi tập trung, chủ quan của những người đánh giá yêu cầu cấp vốn. Nhà tài trợ nên đóng vai trò của người giáo viên môn Tiếng Anh giúp cải thiện bài luận của sinh viên, chứ không phải vai trò của giáo viên toán chấm điểm bài kiểm tra đại số – nói gì đến một cái máy chấm điểm SAT tự động. Tuy nhiên, trong ngành tài chính, các cơ chế cấp vốn ngày càng trở nên tập trung và mang tính máy móc. Chúng không còn phản ảnh nền kinh tế phi tập trung mà đáng lẽ chúng phục vụ.

Sự thiếu hụt óc phán đoán bấy lâu nay đã tỏ ra tiêu cực không chỉ ở trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế: Những mối liên kết tạo nên nền kinh tế hiện đại này quá năng động khiến cho các nhà tài trợ chẳng còn nhiều cơ sở để mà bám víu vào sự lặp lại của lịch sử hay những sự kiện xảy đến theo quy luật có thể tiên đoán được. Các ngành có vẻ đã bão hòa rồi và không mới mẻ lại thường có nhiều đổi mới.

Thị trường nhà ở là một ví dụ điển hình. Khi các công ty Nhật Bản tìm cách tạo ra nhiều chiếc xe hơi đáng mơ ước hơn so với GM, Ford, và Chrysler, giá cả nhà đất ở Detroit giảm mạnh. Mức giá trung bình cho một ngôi nhà tại đó giảm xuống còn 15,000 đô-la trong tháng 10 năm 2009 từ gần $98,000 vào năm 2003, biến những ước tính về tỷ lệ vỡ nợ khi vay thế chấp dựa trên lịch sử trở nên vô nghĩa.

Mô hình cho vay truyền thống được xây dựng xoay quanh óc phán đoán dựa vào tình huống cụ thể. Những người mua nhà sẽ đăng ký vay từ ngân hàng nơi họ sinh sống, ngân hàng mà họ thường đã có mối quan hệ từ trước. Một nhân viên ngân hàng sẽ xem xét từng đơn đăng ký vay và đưa ra đánh giá, xét đến những gì người đó biết về người đi vay, về chủ lao động của anh ta, về tài sản của anh ta, cũng như về các điều kiện thị trường địa phương. Người này cũng sẽ xem xét lịch sử – những gì đã xảy xa với giá cả nhà đất, bản theo dõi về người vay và các cá nhân khác có hoàn cảnh tương tự. Nhưng hoạt động cho vay được thực hiện tốt cũng đòi hỏi các đánh giá liên quan đến tương lai – đánh giá về mức độ tương quan của tương lai so với quá khứ. Cơ chế đối thoại và mối quan hệ cũng quan trọng: Nhân viên ngân hàng sẽ trao đổi với người đi vay để thật sự chắc chắn mong muốn và dự định của họ. Việc giữ quan hệ sau khi cho vay nhằm giúp đưa ra những đánh giá về điều khoản điều chỉnh khi cần thiết.

Qua vài thập kỷ, ngành tài chính mang tính máy móc và tập trung hóa đã chèn ép mô hình truyền thống này. Các nhân viên tín dụng phải nhường chỗ cho các nhà môi giới vay thế chấp. Vào đỉnh điểm của giai đoạn bùng nổ về nhà đất, trong năm 2004, khoảng 53,000 công ty môi giới vay thế chấp, với khoảng 418,700 nhân viên, đã tạo ra 68% các khoản vay về nhà ở tại Mỹ. Nói cách khác, dưới một phần ba tổng số các khoản vay xuất phát từ tổ chức cho vay thực. Vai trò của các công ty môi giới này trong qua trình cấp tín dụng chủ yếu là giúp người đăng ký vay điền đơn. Thực tế, giờ đây hầu như chẳng có ai lại đưa ra những đánh giá về tín chấp theo trường hợp cụ thể. Các khoản vay thế chấp được cấp hoặc bị từ chối (và các sản phẩm vay thế chấp mới như khoản vay thế chấp với lãi suất thay đổi lại được tạo ra) dựa trên những mô hình phức tạp mà có lẽ được tạo ra bởi một số nhà khoa học tên lửa ở nơi rất xa nào đó, và rất ít dựa vào thực tế tại địa phương.

Quá trình chứng khoán hóa và bán các khoản vay thế chấp có nghĩa là việc cho vay của các công ty làm về tài chính không còn bị giới hạn bởi cơ sở tiền gửi hay vốn của chúng nữa, điều này cho phép một số tổ chức nắm giữ thị phần rất lớn. Countrywide Financial, vốn được thành lập vào năm 1969, đã lớn mạnh từ một cơ sở chỉ có hai người thành một đại gia trong lĩnh vực cho vay thế chấp với khoảng 500 chi nhánh. Trước khi công ty này phá sản, vào năm 2007, nó đã tạo ra gần một phần năm số lượng các khoản vay thế chấp ở Mỹ. Các cơ quan vừa mang tính nhà nước vừa mang tính tư nhân như Hiệp hội cho vay Thế chấp Nhà ở Liên bang (Fannie Mae) hay Công ty Thế chấp cho vay mua nhà Liên bang (Freddie Mac) đã khiến cho vai trò của Countrywide có vẻ không lớn. Khi Bộ tài chính mua lại hai tổ chức này, vào năm 2008, chúng đã nắm giữ hay bảo đảm khoảng một nửa số khoản vay thế chấp hiện có trị giá 12 nghìn tỷ đô-la của đất nước. Kể từ đó, thị phần của hai công ty này cứ thế không ngừng tăng vọt.

Những người mua các khoản vay thế chấp được chứng khoán hóa không đưa ra các quyết định tín dụng dựa theo trường hợp cụ thể. Ví dụ, người mua giấy tờ của Fannie Mae hay Freddie Mac khi đó đã không, và bây giờ vẫn không đưa ra đánh giá về rủi ro mà chủ nhân căn nhà bị mất khả năng thanh toán dựa trên khoản vay thế chấp cơ sở. Thay vào đó, họ coi rằng mình đang mua nợ của chính phủ – và kiếm được mức lời cao hơn là từ trái phiếu Kho bạc. Ngay cả khi chứng khoán không được bảo đảm, người mua cũng bỏ qua mức tín nhiệm tín dụng của từng khoản vay thế chấp. Thay vào đó, họ phụ thuộc vào những mô hình của các thầy phù thủy đã tạo nên những tiêu chuẩn về bảo đảm, vào một sốngân hàng (như Lehman, Goldman, và Citicorp) đã chứng khoán hóa các khoản vay này, và vào ba công ty xếp hạng tín nhiệm bảo đảm cho khả năng thanh toán của các chứng khoán này.
Việc không dùng đến óc phán đoán cũng khiến phần lớn các sản phẩm chứng khoán phái sinh rơi vào tay một số ít các tổ chức siêu lớn, đặt ra những nguy cơ rủi ro hệ thống mà những người lãnh đạo của các tổ chức này không thể kiểm soát được. (Vui lòng xem phần phụ chú “Công cụ phái sinh cho Robot”.)

Sự sụp đổ.

Quá trình tự động hóa ngành tài chính này không đưa đến nhiều điều tốt đẹp. Việc kiểm tra ít dựa theo trường hợp cụ thể đã dẫn đến sự phân bổ nguồn lực không hợp lý trong nền kinh tế thực. Trong bong bóng nhà đất gần đây, những tổ chức cho vay, vốn không thẩm định chi tiết[3] lại gia hạn các khoản vay thế chấp cho những người đi vay liều lĩnh, đã khiến cho giá cả trở nên không thể kham nổi đối với những người mua nhà cẩn trọng.

Sự thay thế các mối quan hệ đang phát triển bằng việc ký kết chóng vánh các thỏa ước độc lập [4] được chứng khoán hóa về cơ bản đã hủy hoại khả năng thích ứng của các điều khoản tài chính. Không một hợp đồng nào có thể dự đoán được tất cả các sự kiện ngẫu nhiên. Nhưng hoạt động tài chính được chứng khoán hóa lại khiến cho việc sửa đổi là bất khả thi; vì việc thương thảo lại các điều khoản là rất khó, người đi vay và người cho vay phải trung thành với thương vụ được đề ra ban đầu. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, so với các khoản vay thế chấp thông thường, các khoản vay thế chấp được chứng khoán hóa có khả năng bị các ngân hàng thu hồi để thế nợ cao hơn nếu như người đi vay không thanh toán đúng hạn.

Khi việc ra quyết định bị tập trung trong tay của một số ít các chủ ngân hàng, tổ chức tài chính, hay mô hình định lượng, những sai sót của những nhân vật này gây tác động tiêu cực đến phúc lợi của các cá nhân cũng như doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế. Tài chính phi tập trung không miễn nhiễm trước những rủi ro hệ thống; ví dụ, cá nhân những nhà tài trợ có thể theo đám đông trong việc giảm khoản tiền phải đóng ban đầu để vay mua nhà. Nhưng cách hành xử này liên quan đến một bệnh lý xã hội. Với sự quản lý tập trung, quá trình này chẳng cần đến chứng điên cuồng rộng khắp nào cả – chỉ cần một vài mô hình cho vay có sai sót hoặc vài vị CEO ít có khả năng nhận thức được những rủi ro mà cấp dưới chọn chấp nhận.

Có một sự khác biệt rõ ràng giữa quá trình chứng khoán khóa nợ có từ lâu đời (do các công ty đường sắt và điện nước thực hiện) với quá trình chứng khoán hóa khoản vay thế chấp và vay tiêu dùng mới đây. Sự phát hành trái phiếu đường sắt và điện nước không xóa bỏ óc phán đoán chính thể, tùy theo trường hợp cụ thể. Đúng hơn là, một số công ty bảo đảm và đánh giá tín nhiệm đóng vai trò then chốt trong việc đưa ra những đánh giá này, thường là sau khi đã bàn bảo kĩ lưỡng với người đi vay. Hơn nữa, lợi thế kinh tế theo quy mô trong ngành đường sắt hay ngành điện có thể bù đắp cho việc tập trung quyền được ra quyết định. Ngược lại, khi các khoản vay mua nhà và ô tô được chứng khoán hóa, sự tập trung quyền được ra quyết định này lại không đi kèm với bất kì phân tích chi tiết nào về điều kiện của người đi vay. Lợi ích giả định của loại quyết định tín dụng rập khuôn là chi phí cho vay thấp hơn. Nhưng việc cho những người không có khả năng trả nợ vay với chi phí thấp là điều không ai muốn. Việc sản xuất hàng loạt những khoản cho vay tiêu dùng không giống như sản xuất hàng hóa tiêu dùng hàng loạt. Hậu quả dài hạn của hoạt động cho vay quá mức có thể rất tai hại đối với người đi vay, chủ nợ, cũng như xã hội nói chung.

Khi các nhà lập pháp và nhà quản lý phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính, họ không đánh giá hoạt động chứng khoán hóa một cách kĩ lưỡng, không xem xét thời điểm và khả năng liệu nó có lấn át hoạt động cho vay truyền thống; họ đơn thuần chỉ cố gắng phục hồi quá trình chứng khoán hóa trở lại với mức trước khủng hoảng. Quả thật, có một số cải thiện về tính ổn định: Các luật mới yêu cầu ngân hàng chỉ được nắm giữ 5% khoản vay thế chấp dưới chuẩn được chứng khoán hóa. Các công ty xếp hạng tín dụng chịu nhiều chỉ trích và hứa hẹn sẽ cải thiện các mô hình của mình và mang lại tính minh bạch tốt hơn. Nhưng các nhà hoạch định chính sách lại né tránh câu hỏi liệu các khoản vay cấp cho người mua nhà và người tiêu dùng dựa trên điểm tín dụng được tính toán bằng máy tính có nên được chứng khoán hóa và xếp hạng hay không, trong trường hợp không có bất kì sự thẩm tra trực tiếp nào đối với người đi vay.

Trong bài viết này tôi không tranh luận xem Nghị viện hay các nhà quản lý nên quyết định xem mức độ hay loại chứng khoán hóa như thế nào là hợp lý. Việc cấm các công cụ phái sinh hàng loạt hay kiểm soát chúng chặt chẽ sẽ là hành động không sáng suốt: cấm đoán hàng loạt chẳng mấy khi hiệu quả, và những điều khoản hạn chế với những khác biệt nhỏ chỉ tạo thêm việc cho các nhà quản lý, người vận động hành lang, và luật sư. Cải cách nên chú trọng vào việc khôi phục óc phán đoán cho những tổ chức, nơi sự thiếu vắng óc phán đoán có tác hại nhất – cụ thể là các ngân hàng (Vui lòng xem phần phụ chú “Sửa đổi ngành dịch vụ tài chính”.)

Một đạo luật cân bằng

“Hãy đối mặt với điều đó đi,” nhà thông thái Paul Saffo Thung lũng Silicon thẳng thừng tuyên bố, “đổi mới là một hoạt động ưu tú.” Tuy nhiên không phải như vậy. Steve Jobs có thể chỉ đạo quá trình tạo ra những chiếc iPhone và iPads, nhưng sự thành công của hai sản phẩm này đòi hỏi sự đóng góp của hàng nghìn kĩ sư, nhà thiết kế, chuyên viên marketing, luật sư về bản quyền – được Apple và mạng lưới các nhà cung cấp và nhà phát triển ứng dụng và tiện ích thuê – cũng như là sự mạo hiểm của hàng triệu người tiêu dùng. Nền kinh tế hiện đại làm cho sự thay đổi trở nên thường xuyên và ở khắp mọi nơi. Nhiều người có cơ hội để vươn lên; rất ít người có thể đứng yên mà trụ được. Dù cho họ có thích hay không thì những nhà sản xuất khoai tây chiên và chip bán dẫn – cùng với những người cho vay, nhà quản lý nhà nước và các khách hàng – tất cả đều phải tính toán xem chuyện gì sẽ xảy đến tiếp theo.

Ngược đời là, những tiến bộ lớn lao trở thành hiện thực thông qua việc trao cho rất nhiều người cơ hội sử dụng óc phán đoán và trí tưởng tượng lại làm nảy sinh ra sự cần thiết phải có quyền kiểm soát tập trung hơn. Quyền quản lý không đáng kể của chính phủ hay các tổ chức tư nhân có thể xuất hiện trong xã hội chỉ có tiểu nông của Jefferson, nhưng không thể áp dụng được trong một nền kinh tế tiên tiến với hoạt động phức tạp diễn ra trên quy mô lớn.

Do đó thách thức là giữ cho quyền kiểm soát của quyền lực con người – hay của các mô hình máy tính – trong phạm vi thận trọng. Tôi có thể nghĩ đến một vài hướng đi tổng thể như sau: hoạt động kiểm soát sử dụng máy tính có hiệu quả nhất đối với các sản phẩm hay quá trình vô tri vốn có thể được che chắn bảo vệ sao cho những biến động về điều kiện (như nhiệt độ hay độ ẩm bên trong nhà máy hay bao bì sản phẩm) có thể được tối thiểu hóa; và khi đó phản hồi từ các kết quả đo được có thể liên lục được sử dụng để điều chỉnh hay cải thiện những thuật toán về đưa ra quyết định. Máy tính cũng hoạt động tốt khi mà, tương tự như cách sắp xếp quân cờ trên bàn cờ, số lượng các kết quả khả thi là rất lớn (thực tế, độ lớn này thường mang lai lại cho máy tính lợi thế riêng) nhưng tất cả chúng đều tuân theo những quy luật nhất định. Ngược lại, óc phán đoán của con người được ưa dùng khi việc bảo vệ khó khăn, các kết quả không rõ ràng, và các khả năng là để ngỏ.

Tuy nhiên, rốt cuộc thì việc xác định phạm vi phù hợp cho óc phán đoán bản thân nó lại là một vấn đề về óc phán đoán. Kinh nghiệm lâu đời đã dạy cho chúng ta cách tạo lập sự cân bằng trong lĩnh vực do con người kiểm soát tập trung. Chúng ta không còn mù quáng tin tưởng vào khoa học quản lý, các chuyên gia về thời gian và chuyển động, hay sự thông thái của các nhà lãnh đạo và các ủy bản trong doanh nghiệp; nhưng chúng ta quả thực phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo cũng như các quy tắc để thiết lập được một trật tự nào đấy. Những mô hình kinh tế lượng bí ẩn thì còn khó kết hợp với óc phán đoán của con người hơn. Những chỉ lệnh của chúng, vốn cứng nhắc và gây bế tắc như của các chuyên gia nghiên cứu thời gian và chuyển động, là vô hình và do đó việc đối chiếu càng khó khăn hơn. Tuy nhiên nếu như chúng ta duy trì tính ưu việt của óc phán đoán của con người, chúng ta phải học cách khai thác và kiểm soát những mô hình này, chứ không phải chỉ biết chấp nhận chúng.

[Phụ chú 1: Công cụ phái sinh cho rô bốt]

Các phương pháp sử dụng rô bốt đã mở ra những chân trời mới trong hoạt động đầu cơ mạo hiểm, được quảng cáo như những cách tân trong san sẻ và kiểm soát rủi ro.

Giá trị danh nghĩa của các công cụ phái sinh trên sàn OTC tăng gấp hơn sáu lần, từ 95 nghìn tỷ đô la lên đến 684 nghìn tỷ đô la, trong giai đoạn năm 2000 đến giữa năm 2008 – trong quá trình gây ra (hoặc ít nhất là làm trầm trọng thêm) cuộc khủng hoảng tài chính. Các công cụ phái sinh vốn bảo hiểm các khoản vay không thanh toán được – thứ mà ngày nay ta gọi là hợp đồng hoán đổi nợ xấu (CDS) đầy tai tiếng – đã mang lại cho người mua những gói vay thế chấp dưới chuẩn cảm giác không chính xác về tính an toàn, do đó gây ra sự tăng trưởng cực lớn của thị trường dưới chuẩn này. Do các hợp đồng hoán đổi nợ xấu cũng là một công cụ để đầu cơ với tỷ lệ sử dụng đòn bẩy cao – đồng thời cũng mơ hồ – nỗi lo ngại rằng các tổ chức tài chính phải đối mặt với những khoản lỗ khổng lồ, khiến cho thị trường tín dụng bị đóng băng vào mùa thu năm 2008.

Bản thân các công cụ phái sinh đã đồng hành với chúng ta trong hàng thế kỷ và có thể giúp thực hiện những mục tiêu kinh tế hữu ích. Tuy nhiên, sự bùng nổ công cụ phái sinh thời hiện đại, lại được xây dựng xoay quanh một hướng tiếp cận rủi ro còn máy móc và thiếu sót. Quan điểm truyền thống về rủi ro đã chú ý đến nhiều khía cạnh của nó, trong số đó tránh né sự định lượng, và tạo nên tính đặc trưng trong từng trường hợp đơn lẻ. Quan điểm hiện đại xác nhận rằng những yếu tố đặc trưng theo từng trường hợp có thể được đa dạng hóa, và rủi ro có thể đươc giảm thiểu đến một con số mà giá trị của nó có thể rút ra được từ các phân tích thông kê về dữ liệu lịch sử.

Những mô hình ấn định giá cho các hợp đồng quyền chọn cổ phiếu chỉ dùng một số ít biến là một trường hợp minh họa đơn giản nhất. Biến quan trọng nhất là tính biến động – một phép đo đo lường mức độ biến động của cổ phiếu trong tương lai. Giá trị đúng của nó chỉ có Chúa mới biết được. Những người tham gia giao dịch do đó vin vào tính biến động trong quá khứ, điều chỉnh một chút để phản ảnh những dự đoán của họ về tương lai. Những ước tính về tính biến động được đưa ra chủ yếu dựa trên những giá trị lịch sử, có thể bị sai lệch lớn, vào những thời điểm không may nhất.. Nhưng do những mô hình này không đòi hỏi các phân tích tốn sức, tùy theo trường hợp cụ thể về công ty hay người đi vay thực tế, chúng nhanh chóng trở nên phổ biến sau khi được giới thiệu vào đầu những năm 1970. Kể từ đó cách tiếp cận cơ bản như thế đã được sử dụng để ấn định giá thị trường cho tất cả các loại hợp đồng phái sinh. Những quan niệm về rủi ro theo cách tiếp cận từ trên xuống vàđầy trừu tượng như thế – hệ số “delta” của một loại chứng khoán phái sinh hay “beta” của một danh mục đầu tư cổ phiếu – cho phép các CEO của những công ty tài chính lớn, ít nhất về mặt nguyên tắc, có thể quản lý nhiều hoạt động mà không cần hiểu rõ bất kì hoạt động nào. Các nhà quản lý nhà nước, trước đấy đã từng chú trọng vào quá trình kiểm tra theo từng khoản vay của các ngân hàng, cũng đã theo đuổi hướng tiếp cận quản trị rủi ro theo hướng từ trên xuống. Việc xem xét các rủi ro riêng lẻ đã bị bỏ ngỏ.

[Phụ chú 2: Sửa đổi ngành dịch vụ tài chính]

Các nhà lập pháp và nhà quản lý có thể làm gì trước sự gia tăng của tín dụng chuẩn hóa và vi tính hóa cùng với những mối nguy hại kèm theo của sự gia tăng này?

Việc đưa thêm nhiều luật để giúp hộp đen hoạt động tốt hơn không phải là câu trả lời. Đúng ra, chúng ta cần phải nói không với hành động chấp nhận rủi ro mà không chút phán đoán của các ngân hàng (mà sự liều lĩnh của họ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta.)

Tôi đề xuất rằng chúng ta nên phục hồi nghiệp vụ ngân hàng kiểu cũ, theo đó các nhân viên ngân hàng nắm rõ về những người mà họ cho vay. Điều này có thể được thực hiện bằng cách hạn chế những gì các ngân hàng có thể làm: cụ thể là, họ không nên làm gì ngoài việc cho các cá nhân và doanh nghiệp phi tài chính vay – sau khi thực hiện thẩm định chi tiết - và thực hiện những giao dịch phòng vệ đơn giản. Tiêu chuẩn cho vay hoặc bảm đảm sẽ chỉ phụ thuộc vào khả năng liệu nó có thể được giám sát bởi các ông chủ ngân hàng và giám sát viên, những người không có bằng tiến sĩ tài chính, và liệu nguy cơ này có phải là một nguy cơ mà họ chấp nhận nếu như tiền cho vay là tiền túi của họ – nói cách khác là một quy tắc của người cho vay thận trọng.

Những quy tắc này sẽ áp dụng với bất kỳ tổ chức nào nhận tiền gửi ngắn hạn từ công chúng, dù nó có được gọi là ngân hàng hay không. Tất cả những tổ chức khác – ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư phòng vệ, quỹ ủy thác, và các tổ chức tương tự – có thể đổi mới và đầu cơ hết sức mà không cần phải theo dõi giám sát thêm. Nhưng các tổ chức này cũng sẽ không được phép giao dịch với hoặc nhận tín dụng từ các ngân hàng bị quản lý, ngoại trừ các khoản vay được bảo đảm bằng các chứng khoán thanh khoản chất lượng cao. Ví dụ, không mua hoặc cho vay dựa vào nghĩa vụ nợ bảo đảm (CDO), và không cấp vốn cho các “bể chứa” khoản vay đang đợi được chứng khoán hóa.

Ngành tài chính cứng nhắc sẽ không biến mất, nhưng nó sẽ không gây hại đến kế sinh nhai của chúng ta như chúng đã gây ra trong những năm gần đây.




[1]Sabermetrics: phương pháp phân tích thực nghiệm áp dụng trong môn bóng chày (theo Wikipedia.org)
[2]'Rule of thumb' có từ thumb là ngón tay cái. 'Rule of thumb' nghĩa đen là phương pháp làm việc dựa vào ngón tay cái, và nghĩa bóng là phương pháp thô sơ để đánh giá hay đo lường một cái gì, dựa trên kinh nghiệm chứ không dựa vào sự chính xác. Sở dĩ người Mỹ dùng thành ngữ này là vì từ giữa thế kỷ thứ 17 họ thường dùng ngón tay cái, hay bàn tay, bàn chân để đo lường một đồ vật chứ không dùng cái thước. Ngoài ra, những người sản xuất bia thường dùng ngón tay cái để đo nhiệt độ của bia để xem khi nào bia tới độ uống được. (theo http://www.journeyinlife.net)

[3] Due Diligence (DD): Rà soát đặc biệt, hoặc Thẩm định chi tiết – là khái niệm dùng chung cho hoạt động khảo sát, thẩm định, đánh giá, phân tích một dự án, một hoạt động kinh doanh hoặc một hoạt động thực hiện trên cơ sở các tiêu chí đã đề ra từ trước. (Theo http://maf.vn/due-diligence--ra-soat-dac-biet.html)

[4]Arm's Length Transaction: Giao dịch được thực hiện bởi các bên không có liên quan hay không liên kết, như bởi một người mua tự nguyện và một người bán tự nguyện, mỗi bên hành động vì lợi ích riêng của chính họ. Việc định giá dựa trên các giao dịch như thế là cơ sở cho việc định giá thị trường hợp lý. (Theo http://www.saga.vn)

0 Response to "SỰ THIẾU HỤT ÓC PHÁN ĐOÁN - KỲ 2 (KẾT THÚC)"

Đăng nhận xét

Xem nhiều nhất

Xem nhiều nhất trong tháng