TRE CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TRƯỚC NGƯỠNG CỬA HỘI NHẬP: CẨN THẬN KẺO SẨY CHÂN!


Hầu hết mọi người đều nhìn thấy lợi thế của sản phẩm tre công nghiệp trong thời đại ưu tiên bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những bước đường trong thực tế của ngành tre công nghiệp Việt Nam vẫn còn đầy chông gai khi doanh nghiệp còn non trẻ và chưa có chính sách hỗ trợ sát sao.


Chiều ngày 30/8/2015, tại Phòng Hội thảo Liên Việt – Đại học Ngoại Thương Hà Nội, The Keynesian Association đã tổ chức hội thảo “Ngành tre công nghiệp Việt Nam – Cơ hội và thách thức trước ngưỡng cửa hội nhập 2015” với sự góp mặt của các khách mời:


  • Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần sàn đẹp Hồng Ngọc.
  • Thạc sĩ Lê Thế Bình, Giảng viên khoa Tài chính – Ngân hàng, Đại học Ngoại Thương Hà Nội.
  • Thạc sĩ Đinh Hoàng Minh, Giảng viên khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại Thương Hà Nội.
  • Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng chế biến và bảo quản lâm sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hội thảo gồm hai phần chính:

Phần một: Phân tích môi trường cạnh tranh của ngành tre công nghiệp Việt Nam dựa trên mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter.
Phần hai: Những cơ hội và thách thức của ngành tre công nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập 2015.




Mở đầu phần một, ông Vũ Trung Kiên và ông Nguyễn Mạnh Dũng đã chia sẻ nhiều thông tin thực tế về các sản phẩm tre và quy trình sản xuất tre công nghiệp. Cụ thể, hiện nay tre đã được đưa vào sản xuất thành đồ nội thất, khung xe đạp, tấm lót đường trong công trình xây dựng. Tre có nhiều lợi thế: độ bền cao (chịu được sức ép của xe tải hạng nặng), chịu được mối mọt ngang với gỗ thịt. Đặc biệt, nguyên liệu tre có thể được tái tạo nhanh chóng chỉ trong vòng 2 – 3 năm. Trong khi đó, để có được gỗ chất lượng tốt, người ta phải phá những cánh rừng hàng chục năm tuổi. Vì vậy, sử dụng nguyên liệu tre là góp phần bảo vệ rừng, ngăn chặn các tác động tiêu cực lên Trái Đất.

Tiếp đó, các khách mời đã cùng thảo luận một số khía cạnh trong chuỗi cung ứng ngành tre công nghiệp Việt Nam.

>>> Về nguyên liệu

Vùng nguyên liệu cho tre công nghiệp chủ yếu tập trung ở tỉnh Thanh Hóa, với diện tích khoảng 50,000 ha (số liệu năm 2004) và vẫn còn được tiếp tục phát triển.Vùng nguyên liệu dồi dào như vậy cần 2000 doanh nghiệp sơ chế cùng 150 doanh nghiệp gia công quy mô lớn. Tuy nhiên, hiện tại ở Thanh Hóa chỉ có 30 doanh nghiệp sơ chế.

Có hai khó khăn chính mà doanh nghiệp phải đối mặt trong vấn đề nguyên liệu. Thứ nhất, doanh nghiệp chưa có khả năng kiểm soát chặt chẽ chất lượng, số lượng và giá cả nguyên liệu do phải thu mua gián tiếp qua các đại lý. Thứ hai, việc xác định tuổi cây đạt tiêu chuẩn khai thác vẫn dựa vào cảm quan là chủ yếu nên sản phẩm đầu ra khó đồng đều về chất lượng. Do đó cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp đánh số vào cây. Ngoài ra, doanh nghiệp mới chỉ dùng được 35-45% cây tre để sản xuất, để có thể tận dụng được toàn bộ cây tre, cần có một chuỗi sản xuất phục vụ cho nhiều ngành nghề khác nhau.

>>> Về mức độ cạnh tranh

Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành tre là không mạnh trong khi giữa tre với các sản phẩm thay thế như gỗ là tương đối. So với các sản phẩm từ gỗ, tre có những ưu điểm đáng chú ý về giá trị thẩm mỹ và giá trị cho xã hội.

>>> Về thị trường

Tre công nghiệp hiện vẫn chưa phổ biến ở thị trường nội địa, mà được xuất khẩu chủ yếu sang Bắc Mỹ, một số quốc gia châu Âu, và một phần Thổ Nhĩ Kỳ. Thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn hơn do các thị trường này chú trọng hơn đến các sản phẩm có lợi cho môi trường, và các doanh nghiệp xuất khẩu cũng thu được lợi nhuận nhiều hơn từ chính sách ưu đãi của nhà nước. Trong khi đó, thị trường trong nước còn hạn hẹp vì người tiêu dùng chưa hiểu rõ được về các sản phẩm tre công nghiệp.

Doanh nghiệp tiếp cận thị trường chủ yếu qua kênh thương mại điện tử. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công theo yêu cầu chứ chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới.

Vậy với thực trạng như trên, ngành tre công nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những tác động như thế nào trước ngưỡng cửa hội nhập? Phần thảo luận thứ hai giữa doanh nghiệp – chuyên gia – đại diện cơ quan quản lý Nhà nước đã làm rõ một số vấn đề:

>>> Về cạnh tranh

Xét trên thị trường quốc tế, Trung Quốc đang là nước đứng đầu trong ngành tre công nghiệp, và đương nhiên là đối thủ lớn nhất của tre công nghiệp Việt Nam. ThS Đinh Hoàng Minh nhận xét, Trung Quốc luôn đi đầu về giá cả và chi phí sản xuất trong khi doanh nghiệp Việt Nam phải chịu mức tăng chi phí thông qua quá trình thu mua gián tiếp. Giải pháp mà ThS Đinh Hoàng Minh đề xuất là doanh nghiệp giao cho nông dân sản xuất khoán để giảm khâu trung gian.Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý hơn đến vấn đề quảng bá thương hiệu để thu hút các khách hàng.




>>> Về chính sách hỗ trợ ngành tre

Ông Nguyễn Mạnh Dũng cho biết hiện nay Việt Nam có 1.2 triệu ha tre, chiếm 8.4% với tổng cộng 210 loài. Tuy nhiên, tre nguyên liệu dành cho sản xuất công nghiệp vẫn chưa được phát triển đầy đủ.Việt Nam mới chỉ có Quyết định 11 QĐ/TTCP 2011 về Chính sách phát triển cây tre và Thông tư 13/2014 về phát triển vùng tre nguyên liệu. Trong khi đó, từ những năm 1970, Trung Quốc đã bắt đầu một chương trình phát triển ngành tre công nghiệp cấp quốc gia với ba giai đoạn. Hiện họ đang ở giai đoạn tăng trưởng cao nhất.

Từ Chương trình tre Mê- kông, Philippines đã phê duyệt chương trình phát triển tre của riêng họ. Chính phủ Phillippines đã thành lập một Ủy ban riêng chịu trách nhiệm phát triển ngành tre công nghiệp, đặt mục tiêu đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu tre. Đáng tiếc, Việt Nam đã không nắm bắt được cơ hội khi Chương trình tre Mê-kông kết thúc để có được một chương trình tre toàn diện như Philippines.

>>> Về vấn đề thu hút vốn

Xét trên phương diện của nhà đầu tư, ThS. Lê Thế Bình đã đưa ra những ý kiến đáng chú ý về vấn đề vốn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô nhỏ và ít tài sản thế chấp nên khó tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng. Một hướng huy động khác của doanh nghiệp là bán cổ phần. Tuy nhiên, bộ máy của các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới chỉ chú trọng đến sản xuất và marketing chứ chưa chú ý đến vấn đề quản trị nội bộ và quản trị tài chính.

Theo ThS. Lê Thế Bình, để nắm bắt cơ hội thu hút vốn đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam hội nhập, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành tre nói riêng cần đảm bảo 3 tiêu chí: có báo cáo tài chính rõ ràng, chứng minh được khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp, và có cổ tức cho nhà đầu tư.




Ông Nguyễn Mạnh Dũng cũng đưa ra một số số liệu về vốn và công suất tối thiểu để đầu tư trong ngành tre công nghiệp như sau:

Cơ sở sản xuất

Công suất tối thiểu
(m3 sản phẩm /ngày)
Vốn đầu tư tối thiểu
(tỷ đồng)
Tre ép thanh
30
15-20
Tre ép khối
30
20 - 25
Tấm lót đường
100
30 - 35
Ván sàn tre
10
40

So với cơ sở sản xuất ván ép từ gỗ rừng trồng, cần công suất tối thiểu 200 m3 sản phẩm/ ngày và vốn đầu tư 130 tỷ đồng, rõ ràng đầu tư trong ngành này có lợi thế hơn về vốn. Ngoài ra, nếu đầu tư vào ngành tre công nghiệp với cơ cấu vốn 60% vốn chủ sở hữu, tỷ lệ thu hồi vốn nội bộ IRR 49%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 45% thì thời gian hoàn vốn tối đa là 50 tháng.

ThS Lê Thế Bình cũng nhận định, các doanh nghiệp tre có lợi thế khi hoạt động kinh doanh xuất khẩu. Nếu đầu tư vào đây, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm được rủi ro biến động tỷ giá hối đoái.

Có thể kết luận ngành tre công nghiệp Việt Nam là một ngành đáng để đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều cần thiết của doanh nghiệp là phải chứng minh được thực lực của mình mà thôi.

>>> Về nguồn nhân lực

Để phục vụ các ngành công nghiệp mới nói chung và ngành tre nói riêng, ThS Đinh Hoàng Minh cho biết yêu cầu đào tạo xuất phát từ sự ưu tiên dành cho ngành đó và tùy yêu cầu cụ thể về trình độ. Ngoài ra, Việt Nam có thể học hỏi các quốc gia khác trong khu vực về đào tạo nguồn nhân lực.

ThS Lê Thế Bình bổ sung rằng hiện nay hoạt động học tập của sinh viên còn chưa gắn với hoạt động thực tế của doanh nghiệp, gây lãng phí về nhân lực. Do đó sinh viên nên kết hợp hoạt động học tập lý thuyết trên lớp với hoạt động thực tập tại doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng nên mở cửa đón nhận các sinh viên thực tập để hai phía đều có lợi.

Qua buổi hội thảo, có thể thấy ngành tre công nghiệp đang đứng trước một cơ hội lớn để tiếp cận thị trường lớn và thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi Việt Nam hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, nhìn về thực lực của ngành, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế gồm: nguồn nguyên liệu chưa được chuẩn hóa, nghiên cứu và phát triển sản phẩm chưa được chú trọng mà chủ yếu gia công theo đơn đặt hàng, khả năng quản lý tài chính chưa tốt. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ cũng chưa rõ ràng và hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Philippines đã có chiến lược toàn diện.


Do đó, trước ngưỡng cửa hội nhập sắp tới, ngành tre cần thực hiện cải cách chính cách làm việc của mình, và cần sự trợ lực mạnh mẽ từ phía Nhà nước để phát triển và tăng trưởng bền vững.

Một số thông tin về doanh nghiệp:
Tên công ty: Công ty cổ phần Sàn đẹp Hồng Ngọc
Địa chỉ: Phòng 1507, tòa nhà CT6, Khu đô thị Văn Khê - Hà Đông  - Hà Nội
Các sản phẩm chính: Sàn tre các loại, Cầu thang tre, Coppha tre,...
Địa chỉ Website công ty: Tại đây

0 Response to "TRE CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TRƯỚC NGƯỠNG CỬA HỘI NHẬP: CẨN THẬN KẺO SẨY CHÂN!"

Đăng nhận xét

Xem nhiều nhất

Xem nhiều nhất trong tháng