SỰ THIẾU HỤT ÓC PHÁN ĐOÁN - KỲ 1


Tác giả: Amar Bhidé - là giáo sư của trường Fletcher thuộc đại học Tufts. Ông là tác giả của cuốn sách: Sự cần thiết của óc phán đoán: Tài chính nhạy bén trong một nền kinh tế năng động (A call for judgement: sensible finance for a dynamic economy) (Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2010). Bài báo này được viết dựa trên nội dung cuốn sách.

Người dịch: Bùi Hồng Hạnh
Chỉnh sửa bài: Phạm Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Phương Thảo
Thẩm định: ThS Nguyễn Quang Hiếu

Bài báo này được xuất bản nguyên gốc với tiêu đề: "The Judgement Deficit", Tạp chí Kinh doanh Harvard, số tháng 9 năm 2010. Bản quyền thuộc Nhà xuất bản Kinh doanh Harvard 2015. Bản dịch này được thực hiện bởi Tổ chức The Keynesian năm 2015.

Những mô hình thống kê đã ngăn cản óc phán đoán (thứ khiến chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ) theo từng trường hợp cụ thể của khu vực tài chính. Điều này cần phải thay đổi.

[Tóm tắt ý tưởng]

Óc phán đoán cá nhân mang tính phi tập trung đóng vai trò quan trọng trong thành công của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện đại.

Cùng lúc đó, những quy định và các hệ thống tập trung lại là cần thiết để thiết lập trật tự và tránh sự lãng phí. Tạo dựng được sự cân bằng giữa hai phương thức ra quyết định này chính là một khúc mắc muôn thuở. Nhưng những nhà quản trị, nhà hoạch định chính sách, và nhiều người khác đã nhận thức được sự xung đột này và có kinh nghiệm ứng phó với nó.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một hình thức kiểm soát tập trung mới đã bắt đầu bén rễ – một hình thức là kết quả không phải của những người chuyên quyền, cơ quan chuyên trách hay những cuốn luật đã lỗi thời, mà là của những mô hình và thuật toán thống kê.

Điều này đặc biệt chính xác trong ngành tài chính, nơi các mô hình đánh giá rủi ro đã thay thế những đánh giá của hàng nghìn chuyên gia ngân hàng và nhà đầu tư đơn lẻ, dẫn đến hậu quả thảm khốc. Vấn đề đối với hướng tiếp cận thống kê này là ở chỗ nó không thể giải thích đầy đủ về tính bất định và những đặc trưng vốn gắn liền với các quyết định kinh tế.
Điều mà ngành tài chính nói riêng cần đến là sự trở lại với lối tư duy đánh giá.

Nền kinh tế hiện đại tạo ra và lan truyền sự thịnh vượng chưa từng có bằng việc phát huy nguồn lực và tính dám làm của số đông, chứ không phải bằng việc tuân theo mệnh lệnh của số ít một cách mù quáng. Trước đây chẳng ai nghĩ đến cách mà ngày nay nhiều cá nhân đưa ra những đánh giá và hành động dựa trên các đánh giá này. Quả thật, nhiều người trong số chúng ta coi trọng sự nhân văn này trong công việc của mình cũng như đối với sự sung túc về vật chất mà công việc đó đảm bảo mang lại. (Hiệu quả lớn lao của một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa năng động, mà nhà kinh tế học Edmund Phelps đã lập luận trong bài giảng được giải Nobel vào năm 2006 của ông, nằm trong những cơ hội mà nó mang lại để bận rộn với công việc hơn chứ không phải là nhàn hạ hơn.)

Tuy nhiên, thành công này của sáng kiến và óc phán đoán độc lập – của thứ mà tôi gọi là nền kinh tế mạo hiểm – là không hoàn toàn mỹ mãn, và không nên như vậy. Đúng vậy, sự sụp đổ của Liên Xô và của hệ thống quản trị từ trên xuống, theo phong cách Xô-viết ở những công ty cứng nhắc đã giải phóng hàng triệu người thoát khỏi công việc không động não và kém hiệu quả. Nhưng tất cả chúng ta đều mặc định phải tuân theo những luật lệ giao thông về lề đường đúng khi lái xe, và đó là một điều tốt. Trong những vấn đề dù lớn hay nhỏ, những người thiết kế iPhone và iPad (và các ứng dụng của hai thiết bị này) đều làm theo chỉ đạo của Steve Jobs, để phục vụ cho lợi ích của các khách hàng và cổ đông của Apple. Nhận thức được sự cân bằng phù hợp giữa việc điều hành và kiểm soát từ trên xuống với óc phán đoán cá nhân sẽ luôn là một thách thức đối với xã hội cũng như các tổ chức. Nhưng ít nhất thì chúng ta cũng đã nhận thức được xung đột này và có kinh nghiệm trong việc giải quyết nó.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một hình thức kiểm soát tập trung mới đã bắt đầu bén rễ – một hình thức là kết quả không phải của những người chuyên quyền, cơ quan chuyên trách hay những cuốn luật đã lỗi thời, mà là của những mô hình và thuật toán thống kê. 

Những công nghệ ra quyết định kiểu máy móc này có giá trị trong một số trường hợp nhất định, nhưng khi bị sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng, chúng có thể trở nên vô cùng bất thường giống như bộ chính trị Liên Xô. Hãy xem xét điều đã xảy ra với ngành tài chính: trước đây người ta thường cử các nhân viên tín dụng trực tiếp đi thẩm định mức tín nhiệm tín dụng của người đi vay trong từng trường hợp cụ thể. Thật không may, những người này đã bị thay thế bằng một vài mô hình thống kê tương tự nhau do những bậc thầy lão luyện trong ngành tài chính tạo ra, và được các công ty của Wall Street, các công ty xếp hạng tín dụng cũng như công ty cho vay thế chấp được chính phủ bảo trợ phổ biến rộng rãi. Sự tập trung hóa và tự động hóa tín dụng này đã nở rộ khi các ngân hàng được giải phóng khỏi nhiều hạn chế về luật lệ, và các nhà lãnh đạo theo đuổi những đòi hỏi tư bản máy móc từ trên xuống.  Kết quả là một cuộc khủng hoảng tài chính đi vào lịch sử và nền kinh tế toàn cầu gần như sụp đổ. Ngành tài chính đã chịu sự thiếu hụt óc phán đoán, và tất cả chúng ta đang phải trả giá.

Khi bắt tay xây dựng lại từ cuộc khủng hoảng kinh tế này, chúng ta cần đổi mới cách tìm ra sự cân bằng hợp lý – trong ngành tài chính cũng như trong các triển vọng khác – không chỉ giữa sự tập trung hóa và phi tập trung hóa mà còn giữa óc phán đoán tùy theo từng trường hợp và những quy tắc đã được chuẩn hóa. Mức độ kiểm soát hợp lý là một mục tiêu động khó nắm bắt: tính năng động trong kinh tế được duy trì tốt nhất khi tối thiểu hóa quyền kiểm soát mang tính tập trung, nhưng chính tính năng động mà sáng kiến cá nhân tạo ra lại có xu hướng làm tăng mức độ kiểm soát cần thiết. Và làm thế nào để tập trung hóa – thông qua quá trình đưa ra đánh giá tùy theo trường hợp cụ thể, một quyển sách luật, hay một mô hình máy tính – là một câu hỏi cũng khó giải quyết như việc xác định được mức độ tập trung hóa. Nhưng đây là những câu hỏi mà chúng ta không thể ngừng đưa ra.

Trường hợp Phi tập trung hóa và óc phán đoán mang tính cá nhân

Nhà tư tưởng vĩ đại của thế kỉ XX Friedrich Hayek đã đưa ra lập luận kinh điển cho sự lựa chọn phi tập trung hóa trong bài viết của ông “Việc sử dụng kiến thức trong xã hội”. Ông cho rằng tính ổn định của nền kinh tế phụ thuộc vào những điều chỉnh liên tục để thích ứng với những thay đổi nhỏ,– “B can thiệp ngay lập tức khi A thất bại.” Không một cá nhân riêng lẻ nào có đủ tri thức để thực hiện những điều chỉnh này; đúng hơn là, việc đó được thực hiện nhờ nhiều cá nhân khác nhau. Nhưng thông tin về “những khoảnh khắc lướt qua” này không thể được thông báo cho người hoạch định cấp trung ương một cách nhanh chóng và chính xác. Do đó, các cá nhân có kiến thức tại chỗ phải được cho phép quyết định hành động.

Được công bố vào năm 1945, luận thuyết này khi đó là một bài phê bình về hoạch định tập trung, sau đó được nhìn nhận như là một giải pháp hấp dẫn đối với các vấn đề về kinh tế và chính trị mà các xã hội tư bản chủ nghĩa phải đối mặt trong suốt Đại Khủng hoảng và Thế chiến II. Nhiều năm trôi qua, phong cách hoạch định tập trung mang tính áp đặt này đã không còn được yêu thích nữa. Tuy nhiên, trường hợp về quá trình phi tập trung hóa mà Hayek đưa ra vẫn còn xác đáng.

Sự thích ứng với những thay đổi – trọng tâm trong bài viết của Hayek – chỉ là một phần trong câu chuyện này. Sự thành công của nền kinh tế hiện đại cũng phụ thuộc vào quá trình đổi mới. Khi sự đổi mới diễn ra, quá trình phi tập trung hóa cũng vượt trội hơn việc hoạch định tập trung. Đổi mới là những sự phát triển độc nhất vô nhị chưa từng xảy ra. Thậm chí những đổi mới nhỏ cũng đòi hỏi khả năng sáng tạo. Và một người tiến hành đổi mới không thể chỉ dựa vào những kiểu mẫu xảy ra trong quá khứ để đặt cược vào những cơ hội trong tương lai. Việc nhận thức được điều gì có hiệu quả và không trong quá khứ chỉ là bước khởi đầu. Quá trình đổi mới còn đòi hỏi nhiều sự thử sai. Những vấn đề kĩ thuật không lường trước được – hoặc việc các khách hàng không làm những điều mà họ nói trước đó với những người thực hiện nghiên cứu thị trường – đòi hỏi sự tái hiệu chuẩn kết hợp giữa những quan sát cụ thể theo hoàn cảnh và kiến thức thu được trong quá khứ cùng với khả năng sáng tạo đột phá.

Một quá trình sáng tạo tập trung đại khái diễn ra như sau: các tổ chức như Quỹ Khoa học Quốc gia và Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm có thể triệu tập ban chuyên gia để sàng lọc những đề xuất và quyết định xem những sản phẩm mới nào đáng để bán cho người tiêu dùng. Một quy trình chính thức và cách biệt như vậy sẽ hạn chế khả năng truyền đạt hàng loạt những kinh nghiệm thực tế giúp ảnh hưởng liên tục tới quá trình đánh giá của những người thực hiện đổi mới. Và việc truyền tải cảm quan và bước tiến sáng tạo của họ cũng sẽ không khả thi, cũng như việc trình bày lại dữ liệu và đề xuất khi họ gặp phải những vấn đề không lường trước. Hơn nữa, do đánh giá của những người thực hiện đổi mới bao gồm các sự kiện thực tế, kinh nghiệm quá khứ, và khả năng sáng tạo, các cá nhân khác nhau khi đối mặt với cùng một tình huống sẽ phản ứng khác nhau – không một ban chuyên gia nào có thể dự đoán được óc phán đoán của ai là tốt nhất.

Trong một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phi tập trung, những người tiến hành đổi mới không bị giới hạn bởi những bản theo dõi tiến độ, bằng cấp của bản thân, hay sự chấp thuận / không đồng tình của ban chuyên gia. Họ được tự do hành động theo đánh giá của mình, nếu như họ có thể tập hợp được các nguồn lực cần thiết. Kết quả là, toàn bộ hệ thống sẽ sản sinh nhiều cải cách. Quá trình này quả thực cần đến nỗ lực cải cách gấp bội. Nhưng nó cũng loại bỏ sự thiên vị hay thành kiến đối với những ý tưởng khác thường - những điều thường thấy ở một hệ thống tập trung.

Một cách tương xứng, chính những người tiêu dùng cá nhân chứ không phải là các ban chuyên gia là người chọn lựa giữa các đổi mới khác nhau trên thị trường. Và lựa chọn của người tiêu dùng không mang tính máy móc: Khi được mang lại một thứ mới mẻ, họ buộc phải đưa ra những đánh giá sáng tạo và táo bạo.

Những đánh giá độc lập, linh động theo từng trường hợp cụ thể là then chốt trong khắp một nền kinh tế năng động, chứ không chỉ ở lĩnh vực công nghệ cao. Ví dụ, khi phải đối mặt với mức giá nguyên vật liệu tăng cao, một nhà sản xuất kim loại không thể chỉ lặp lại những biện pháp có hiệu quả với những lần tăng giá trong quá khứ. Người đó buộc lòng phải đưa ra đánh giá dựa trên cơ sở phản ứng của các khách hàng và đối thủ cạnh tranh, khi mà công nghệ và thị hiếu thay đổi kể từ lần tăng giá trước. Khi cả khu vực được sửa sang nâng cấp, các chủ cửa hàng cũng phải điều chỉnh thực đơn và cách bài trí của mình. Các khách hàng cũng vậy, họ buộc phải liên tục đưa ra những đánh giá mới: Mình nên mua một chiếc xe hơi hybid để giảm chi phí nhiên liệu, hay chống nóng lại cho ngôi nhà? Cho cửa hàng mới này một cơ hội, hay cứ gắn bó với cửa hàng đáng tin cậy của mình?

Cơ chế đối thoại và những mối quan hệ.

Quá trình phi tập trung hiệu quả đòi hỏi các cơ chế phải kết hợp những đổi mới độc lập. Và các xã hội và tổ chức cũng phụ thuộc vào cơ chế đối thoại và những mối quan hệ ở một mức độ cao hơn so với các hệ thống từ trên xuống, trong đó thiểu số ra lệnh cho đa số.

Một hệ sinh thái bao gồm nhiều công ty chế tạo chất bán dẫn, hàng chục nhà sản xuất máy in, hàng trăm nhà sản xuất máy tính cá nhân, và hàng nghìn nhà phát triển phần mềm đã giúp Windows thống lĩnh thị trường hệ điều hành. Khi Microsoft phát triển một phiên bản Windows mới, công ty này tham khảo kĩ lưỡng ý kiến của những nhân vật này để ngay khi hệ điều hành mới này được phát hành thì phần cứng và phần mềm tương thích cũng sẵn sàng. Tương tự, khi các công ty khác phát triển những tính năng mới cho sản phẩm của mình, họ cũng có lợi từ việc bàn bạc với Microsoft.

Những mối quan hệ khăng khít bù đắp cho cơ chế đối thoại trong việc chia sẻ thông tin và thúc đẩy sự phối hợp. Ví dụ, việc liên tục hợp tác làm ăn với các đối tác quen giúp làm giảm những hồ nghi và hiểu nhầm vốn tồn tại ngay trong những bản hợp đồng được thương thảo kĩ càng. Dù cho có bàn luận nhiều đến đâu, những thiếu sót trong hợp đồng cũng không thể bị xóa bỏ vì từ ngữ không phải lúc nào cũng chính xác. Đâu là “nỗ lực hết sức”? Sự cẩn thận trong ánh mắt của một bên tham gia có thể bị bên còn lại coi là bất cẩn. Món thịt nướng tái vừa có thể tuyệt vời với một ông chủ nhưng lại là quá chín với một ông chủ khác. Những giao dịch lặp đi lặp lại giúp cho mỗi bên nắm bắt được những mong muốn và kì vọng của đối tác.

Các mối quan hệ cũng giúp cho việc thực hiện điều chỉnh dễ dàng hơn khi xảy ra sự cố. Một công ty bán hàng có thể không phân phối sản phẩm ổ cứng thế hệ mới đúng hẹn. Người mua có quyền chính đáng để hủy đơn đặt hàng, điều này có thể là khôn ngoan nếu như sự trì hoãn là do một lỗi thiết kế cần nhiều thời gian để sửa chữa. Nhưng việc kéo dài thời gian giao hàng cũng có thể xảy ra nếu như vấn đề nằm ở sự đình trệ tạm thời trong dây chuyền sản xuất. Nếu không có một mối quan hệ từ trước, người mua sẽ ít khi nhìn nhận cục diện trong trường hợp này, và có xu hướng phản ứng một cách cứng nhắc hơn.

Trường hợp ủng hộ Tập trung hóa

Tất nhiên là các xã hội có công nghệ tiên tiến không thể hoạt động nếu không có sự kiểm soát tập trung nào đó. Ví dụ, chính phủ cần phải quản lý cách thức các doanh nghiệp khoan dầu, phát triển cây trồng biến đổi gene, chọn loại sơn đồ chơi. Trong thực tế, những tiến bộ công nghệ thường giúp mở rộng phạm vi những gì mà phần lớn người dân coi là ràng buộc đối với lựa chọn độc lập. Phát minh về ô tô đã khiến luật lái xe và việc kiểm tra xe cộ trở nên cần thiết. Sự phát triển của đường hàng không đòi hỏi phải có một hệ thống để quản lý giao thông và xác nhận tình trạng máy móc của máy bay. Tần số phát sóng của đài và ti vi phải được điều tiết để tránh việc tín hiệu của các nhà đài xung đột với nhau. Sự phát triển của các chất hóa dầu đòi hỏi phải có luật lệ để kiểm soát sự ô nhiễm.

Ngoài việc phải tuân theo quyền lực bắt buộc của nhà nước, các cá nhân cũng tư nguyện tuân theo chính quyền và quy định của các tổ chức tư nhân. Những người quản lý thực thi quyền kiểm soát không chỉ đối với nhân viên của mình mà còn đối với các nhà thầu phụ cũng như luật sư và tư vấn viên bên ngoài công ty. Ẩn dưới sự phát triển mã nguồn mở có vẻ phóng khoáng của hệ điều hành Linox là những quy trình và quy tắc phức tạp - cùng một hệ thống thứ bậc do người sáng lập Linus Torvalds đứng đầu. Những nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực Internet tuân theo các quy ước do một hệ thống phức tạp do các cơ quan ấn định tiêu chuẩn đặt ra.

Nguồn gốc của việc quản lý trong tổ chức hiện tại xuất phát từ những nỗ lực nhằm nhận ra lợi thế kinh tế theo quy mô và theo phạm vi trong suốt thế kỉ 19 và 20. Ví dụ, ngành vận chuyển đường sắt, là một cải cách mang lại những lợi thế lớn lao nhưng lại đặt ra những vấn đề về phối hợp mà không thể giải quyết được chỉ bằng kiểu thích nghi tuần tự và tùy biến mà Hayek ca tụng. Việc xây dựng tuyến đường ray xe lửa nối liền Thái Bình Dương - Đại Tây Dương bắt đầu từ cả hai bên bờ biển đòi hỏi phải có sự hoạch định từ trước và sự giám sát trong suốt quá trình thực thi từ cơ quan chính quyền tập trung; sự vận hành an toàn của tuyến đường này sau khi hoàn thành cũng đòi hỏi như vậy. (Sự phản đối xuất hiện sau vụ va chạm giữa hai tàu hỏa chở khách xảy ra vào năm 1841, theo như ghi chép của nhà lịch sử Alfred Chandler, là “lần đầu tiên đã giúp tạo nên cơ cấu tổ chức nội bộ hiện đại và được xác định rõ ràng, được một doanh nghiệp Mỹ sử dụng.”)

Quá trình chuyên môn hóa và chủ động kết hợp có định hướng các nguồn lao động giờ đây đã được áp dụng, với lợi thế lớn lao, từ dây chuyền sản xuất sang việc phát triển sản phẩm mới. Trong thế kỉ 19, các sản phẩm mới thường do một vài cá nhân tạo ra. Thomas Edison đã phát minh rất nhiều sản phẩm đáng chú ý – bóng đèn dây tóc, phim, và máy hát – chỉ từ một cơ sở nhỏ ở New Jersey với số lượng nhân công ít hơn cả một doanh nghiệp khởi nghiệp thông thường ở Thung lũng Silicon. Khi phát minh ra điện thoại, Alexander Graham Bell chỉ có một trợ lý. Những tổ chức nhỏ như thế không thể nhanh chóng tạo ra sản phẩm tốt với mức giá hợp lý, cho nên lúc đầu nhiều phát minh chỉ là đồ chơi cho người giàu. Giờ đây nhiều tổ chức lớn sản xuất được những chiếc điện thoại thông minh và máy tính xách tay giá thành thấp nhưng đáng tin cậy, hướng đến thị trường đại chúng ngay từ đầu. Khâu phát triển sản phẩm, với sự góp mặt của nhiều thành viên tham gia với chuyên môn rộng, cần phải được quản lý chặt chẽ với nhiệm vụ và thời gian biểu rõ ràng. Để tham gia vào cuộc chơi lớn này, ngay cả với những công ty ban đầu không có sự quản trị đáng kể, như Mircrosoft và Dell, cũng phải điều chỉnh hướng tiếp cận – và đôi khi phải thuê nhà quản lý từ các công ty lớn để giám sát quá trình phát triển sản phẩm mới.

Tuy nhiên, cuối cùng thì doanh nghiệp lớn lại gặp khó khăn với những hạn chế của quá trình tập trung hóa tuyệt đối. Việc cầm tay chỉ việc không tạo động lực được cho người lao động – Henry Ford nổi tiếng khi trả lương cao cho người lao động, nhưng ông lại không có được lòng trung thành lớn từ các nhân viên. Và như Hayek đã có thể đoán được, quá trình tập trung hóa thật sự lãng phí: người lao động có kiến thức thực tế thì không được cho phép thực hiện những điều chỉnh hay sáng kiến đổi mới.  Do vậy, các tổ chức đã bắt đầu áp dụng cái mà Tom Peters và Robert Waterman gọi là kiểm soát “lỏng – chặt”, gắn với cơ cấu tập trung hóa một số hoạt động và phi tập trung hóa các hoạt động khác.

(Đón đọc kỳ 2)


0 Response to "SỰ THIẾU HỤT ÓC PHÁN ĐOÁN - KỲ 1"

Đăng nhận xét

Xem nhiều nhất

Xem nhiều nhất trong tháng