BÁO CÁO THỰC ĐỊA HOẠT ĐỘNG LOGISTICS TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN LOGISTICS HÀNG KHÔNG - ALS


Ngày 16 tháng 12 năm 2015 vừa qua, chuyến thăm thực địa thử nghiệm được sự phối hợp của Tổ chức The Keynesian cùng Ban lãnh đạo Công ty Logistics Hàng Không (ALS) đã diễn ra nhằm tìm hiểu thực tế hoạt động vận hành hoạt động logistics ở một số doanh nghiệp tiêu biểu. Chuyến thăm quan có sự góp mặt của nhiều chuyên gia uy tín và kinh nghiệm trong ngành cùng đại diện từ phía Bộ Công Thương, bao gồm:

           Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương
Ông Hoàng Gia Khánh – Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương
PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương – Phó trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại thương
ThS Bùi Duy Linh – Đại học Ngoại thương
TS Dương Hữu Tuyến – Đại học Giao thông – Vận tải
ThS Trần Quang Bằng – Đại học Giao thông – Vận tải

Các hoạt động chính diễn ra trong chuyến tham quan:
  • Nghe giới thiệu và trao đổi về hoạt động của Công ty Logistics hàng không ALS
  • Tham quan ALSc (Hà Nội): Kho hàng, phòng làm việc, khu vực làm thủ tục hải quan.
  • Tham quan ALSe (Bắc Ninh): Cảng hàng không kéo dài VSIP
Thông qua những hoạt động thăm quan, The Keynesian và Ban lãnh đạo công ty đã thể hiện sự nhiệt tình và chỉ dẫn tương đối chi tiết, giúp các bạn sinh viên có cái được những cái nhìn tổng quan về những hoạt động logistics hàng không tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng như ga hàng hóa kéo dài tại VSIP Bắc Ninh. Qua đó, một trong những điều quý báu mà các thành viên đoàn tham quan có được là tận mắt nắm bắt không gian doanh nghiệp, thứ mà sinh viên nói chung và sinh viên tại Đại học Ngoại Thương nói riêng có định hướng nghề nghiệp trong ngành này, hiếm có cơ hội tiếp cận.

Giới thiệu và trao đổi về hoạt động của ALS

Bắt đầu chuyến thực địa tại ALS, đoàn thăm quan nhận được sự tiếp đón chu đáo từ phía các thành viên chủ chốt lãnh đạo các mảng kinh doanh chính của ALS tại phòng họp chính của công ty. Tại đây, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó TGĐ, đại diện ban lãnh đạo công ty đã giới thiệu tổng quan về cấu trúc doanh nghiệp và các mảng kinh doanh chính tại ALS. Một cách tóm lược, công ty cổ phần logistics hàng không ALS kinh doanh dưới mô hình tập đoàn, với công ty mẹ là ALS có trụ sở tại ICD Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội và 5 công ty con bao gồm ALSB – ALS Bắc Ninh (tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh), ALSC – ALS Ga hàng hóa (tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài), ALSE – ALS Đông Hà Nội (tại VSIP Bắc Ninh), ALSW – Dịch vụ kho hàng (tại ICD Mỹ Đình) và ALST (tại KCN Yên Bình 1, Thái Nguyên). Bà Hạnh cho biết, ALS là công ty chuyên nghiệp về Logistics hoạt động tại các lĩnh vực dịch vụ phục vụ hàng hóa hàng không tại ga hàng hóa hàng không và ga hàng hóa hàng không kéo dài, các dịch vụ về các loại kho vận như kho ngoại quan, kho thường, kho mát, kho lạnh và kho tài liệu. Bên cạnh đó, ALS kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng như vận tải nội địa, đại lí hải quan, các hoạt động đào tạo và cho thuê văn phòng. 


Qua phần thuyết trình giới thiệu của đại diện công ty, các chuyên gia và các bạn sinh viên có thể thấy được sự rõ ràng và chuyên nghiệp trong cơ cấu tổ chức của ALS cũng như sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ logistics và các dịch vụ khác đối với khách hàng doanh nghiệp nội và ngoại địa. Đặc biệt, ban lãnh đạo doanh nghiệp quản lý trên 1000 nhân sự này còn bày tỏ mong muốn hướng tới đào tào nguồn nhân lực logistics ra bên ngoài bên cạnh đào tạo nhân lực cho toàn hệ thống. Đại diện ban lãnh đạo công ty, nhân buổi gặp mặt trao đổi với các thầy cô giảng viên trường Đại học Ngoại Thương và Đại học Giao thông vận tải bày tỏ mong muốn có thể tiến tới hợp tác trong nghiệp vụ đào tạo các chứng chỉ nghề, các khía cạnh liên quan đến mảng đạo tạo cho sinh viên cũng như nhân sự công ty nhằm nâng cao nguồn lực con người cho ALS và kiến thức thực tế cho sinh viên trong các trường đại học chuyên sâu về hoạt động logistics.


Tiếp theo chương trình, anh Nguyễn Lê Trung - Chuyên viên Marketing của ALS mẹ, giới thiệu về các giá trị cốt lõi của ALS, tầm nhìn, sứ mệnh của công ty và những dự định phát triển của ALS trong dài hạn. Theo phần trình bày của anh Trung, định hướng phát triển của ALS xoay quanh 5 giá trị cốt lõi, bao gồm:
  1. Innovation - Sự đổi mới: Dựa theo xu hướng biến động không ngừng, ALS cho rằng nhu cầu và áp lực đổi mới luôn là yếu tốt thiết yếu trong lĩnh vực kinh doanh logistics.
  2. Commitment – Sự tận tâm: ALS đặt lên hàng đầu thái độ và phong cách phục vụ tận tầm đối với khách hàng và đối tác.
  3. Respect – Sự tôn trọng: ALS luôn đặt tiêu chí cho sự tôn trọng với đồng nghiệp, với đối tác là một giá trị rất quan trọng của mình.
  4. Liability – Sự tin cậy: ALS tin rằng khi hoạt động kinh doanh, sự tin cậy là một nhân tố không thế thiếu, quyết định thương hiệu và uy tín của người làm dịch vụ, không chỉ là sự tin cậy lẫn nhau trong cùng doanh nghiệp mà con là sự tin cậy đối với các đối tác của ALS.
  5. Professionalism – Sự chuyên nghiệp: ALS luôn luôn hướng đến phong cách phục vụ chuyên nghiệp để mang tới cho khách hàng và đối tác của mình sự hài lòng trọn vẹn nhất.
Cùng với việc giới thiệu tổng quan, anh Trung đưa tới cho các thành viên đoàn thăm quan mô hình ngắn gọn về quy trình tổ chức hoạt động logistics hàng hóa diễn ra tại ga hàng hóa hàng không kéo dài của ALS. Theo chuỗi hoạt động này, đầu tiên, ALS tiến hành tiếp nhận hàng hóa từ khách hàng, sau đó hàng hóa được thông quan ngay tại các kho hàng hóa hàng không kéo dài hoặc được đưa lên xử lý tại ga hàng hóa tại sân bay và cuối cùng được đưa ra sân bay. Các hình ảnh của các ga hàng hóa được trình chiếu cho thấy được một phần bức tranh trong hệ thống hoạt động của ALS tại các công ty con.


Về kho vận

Hiện tại, hệ thống kho của ALS chủ yếu phân bố tại cảng hàng không quốc tế nội bài, ICD Mỹ Đình và một kho tại Gia Lâm. Kho ngoại quan và kho thường nằm cách cơ sở ALSC 1 km, về bản chất là điểm trung chuyển một số hàng hóa hàng không, ngoài ra còn là điểm lưu trữ một số hàng khác không phải hàng hóa hàng không bao gồm hàng chuyển phát nhanh và hàng thường. Các trang thiết bị trong kho của ALS đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, các vấn đề lưu kho an ninh, an toàn cùng phần mềm quản lí chuyên nghiệp và hệ thống giá kệ được sắp xếp phù hợp để bốc dỡ và tìm kiếm. Đồng thời, nhân sự làm việc tại các kho chuyên biệt cũng được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Về phía các khách hàng và đối tác của ALS, có thể kể đến một số doanh nghiệp uy tín và danh tiếng trong lĩnh vực logistics như NCTS, DHL, Vietnam Airline hay SamSung … là các đối tác tiêu biểu.

Để các thành viên đoàn thăm quan được biết rõ hơn về các hoạt động của địa điểm đến tham quan là công ty ALSC tại sân bay quốc tế nội bài, chị Trang, chuyên viên kinh doanh phụ trách tại ALSC dẫn đoàn tham quan tới các địa điểm cụ thể và các phòng chức năng tại ALSC và giới thiệu thực tế công việc của các bộ phận. ALSC là công ty chuyên phục vụ hàng hóa tại cảng hàng không quốc tế nội bài. Công ty con này của ALS phục vụ hàng hóa theo các chuyến bay. Như chúng ta đã biết, khi tham gia vận tải bằng đường hàng không, khoang trên của máy bay dùng để phục vụ hành khách, khoang dưới dành riêng để vận tải hàng hóa. ALSC là đơn vị khai thác hàng hóa của những chuyến bay đó, kéo hàng từ sân đỗ vào kho của công ty, làm công việc khai thác và chuyển hàng hóa giao tới tay của các Forwarder (các công ty giao nhận) hoặc vận tải hàng hóa hay khách hàng lẻ đến công ty làm nhiệm vụ giao nhận hàng. ALSc cũng cung cấp dịch vụ khai thác hàng nhanh, ví dụ với những đơn hàng nhạy cảm như tín thư ngoại giao, các đại sứ quán có nhu cầu khai thác hàng nhanh, ALSc sẽ tạo điều kiện khai thác ưu tiên hơn so với các hàng hóa khác. 

Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ mà ALSC cung cấp như làm tài liệu hàng không, đóng gói các kiện hàng đặc biệt là những nghiệp vụ chuyên ngành liên quan đến vận tải hàng không. Với vốn đầu tư hơn 4 triệu USD tương đương với 800 tỷ VND nên công ty chú trọng đầu tư vào trang thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực, đào tạo, có khả năng phục vụ đến 200 nghìn tấn hàng nhập và xuất mỗi năm, định hướng cuối năm 2016 sẽ cho xây dựng ga hàng hóa thứ hai để phục vụ mục tiêu 500 nghìn tấn hàng hóa một năm. ALSC luôn hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ hàng hóa hàng không dẫn đầu tại Việt Nam. 

Phòng Khai thác

Chị Trang cũng giới thiệu về cơ cấu tổ chức cụ thể của ALSC, với lưu ý đặc biệt về phòng khai thác của ALSC. Phòng khai thác của ALSC khá rộng với nhân sự chiếm đa số, với 230 người trong tổng số 285 người của ALSC, chia ra các tổ chuyên biệt để phục vụ hoạt động khai thác chủ yếu như tổ bốc xếp, tổ xe xúc, tổ phục vụ hàng hóa hàng nhập, hàng xuất, hàng ngoài sân đỗ… Tất cả các nhân sự khi đến làm việc tại ALSC phải được đào tạo qua các lớp cơ bản về phục vụ hàng hóa hàng không như hàng hóa cơ bản, hàng nguy hiểm, hàng tươi sống, hàng đặc biệt khác, sau đó các nhân viên sẽ cũng các cán bộ là giáo viên hướng dẫn, tham gia cùng hoạt động sản xuất trực tiếp để học tập và học tại chỗ trong vòng 3 tháng. Một số cán bộ chủ chốt sẽ được cử đi đào tạo, thăm quan tại công ty phục vụ nổi tiêng SRPS tại Singapore và Cộng Hòa Séc hoặc tại kho hàng tại Sài Gòn, SCSC để thực tập hay cử đi tham dự các khóa đào tạo tại trung tâm FIATA về vận tải hàng không quốc tế. Hiện tại, ALSC đang phục vụ 3 đơn vị hãng hàng không là Cathay Pacific – một hãng hàng không lớn của Hồng Kông, Turkish Airlines- Hãng hàng không của Thổ Nhĩ Kì và Jin Air – hãng hàng không công ty con của Korean Airline.

Đại diện ALS cũng giới thiệu về sơ đồ mặt bằng các khu chuyên trách tại ALSC. Theo đó, từ cổng vào là khu vực sân đỗ cho xe tải giao nhận hàng hóa, tiếp theo là khu vực chấp nhận hàng cho khách hàng làm thủ tục soi chiếu và các thủ tục hải quan. Sau khi qua soi chiếu, hàng sẽ được lưu kho tại khu vực nhà kho mà ALSC đã phân chia các khu vực dành riêng cho hàng tươi sống, hàng có giá trị, hàng nguy hiểm, hàng VAL (hàng có giá trị cao), hàng VUL, hàng AVI (hàng động vật sống). ALS cũng dành riêng khu vực cho hàng của hai hãng sản xuất đồ công nghệ lớn là Microsoft và SamSung. Mặt bằng tầng 2 có khu vực đậu dành cho xe tải đến để nhận hàng hóa, là khu vực trả hàng, hàng lấy ở trong kho giao cho giao cho nhà vận tải, khu vực hải quan, văn phòng. Kho tầng 2 cũng có các khu vực dành cho các mặt hàng kể trên, tuy nhiên rộng hơn cho hàng nhập. Các trang thiết bị chuyên dụng cho hoạt động bốc xếp được nhập khẩu hoàn toàn từ Đức như slave pallet, xe tải, xe đầu kéo, máy soi chiếu, xe nâng, cân điện tử, hệ thống camera và CCTV, thiết bị báo cháy… ALSC luôn cố gắng đáp ứng những tiêu chuẩn như của IATA, ICAO,… và đạt được các chứng chỉ như chứng chỉ GA3 cho phép soi chiếu hàng xuất khẩu sang châu Âu, vận hành theo ISO 9001-2015 và chứng chỉ của công ty kiểm định hàng hóa ISAGO cũng như các tiêu chuẩn phục vụ của các hãng hàng không riêng biệt.


Đại diện ALSC cũng giới thiệu cho các thành viên đoàn hiểu hơn về quy trình khai thác vận hành hàng hóa tại các kho kéo dài – một trong hai mô hình của hệ thống ALS để cho thấy rõ mối liên quan đến hoạt động của ALSC. Chị Trang đưa ra ví dụ: Khu công nghiệp Bắc Ninh lấy hàng từ ALSB phục vụ cho đối tác SamSung tại Bắc Ninh thì hàng hóa của SamSung sẽ đến ALSB làm các thủ tục hàng hóa, thủ tục hải quan, SamSung là đơn vị tiếp nhận hàng hóa và soi chiếu hàng tại ALSB. Hàng của ALSB sẽ được vận chuyển lên ALSc mà không phải thực hiện thủ tục soi chiếu thêm nữa, thực hiện lưu kho, chất xếp hàng hóa lên các thiết bị và kéo hàng ra tàu bay sân đỗ, kết thúc quy trình phục vụ hàng hóa từ các kho kéo dài. Quy trình phục vụ hàng hóa tại ga hàng hóa ALSc: Đối với hàng xuất, khách hàng trực tiếp đến ALSc làm các thủ tục, sẽ chấp nhận hàng hóa, khách hàng làm thủ tục hải quan và lưu kho hàng trước khi tàu bay hạ cánh, chất xếp hàng lên các phương tiện chất xếp rồi bàn giao cho các nhân viên phục vụ sân đỗ để kéo hàng ra tàu bay. Đối với hàng nhập, ALSc sẽ nhận bàn giao hàng hóa từ tàu bay và kéo hàng về khu vực transit (trung chuyển) của mình, sau đó sẽ dỡ hàng, khai thác, dỡ hàng, lưu kho và báo hàng cho khách đến làm thủ tục hải quan và nhận hàng. 

Đối với quy trình gửi hàng đối với hàng xuất, đối với các Forwarder hoặc khách hàng lẻ thì quy trình diễn ra như sau: Các Forwarder đến ALSc làm thủ tục đăng kí tại cổng ra vào, sau đó đỗ xe theo sự chỉ định của nhân viên điều phối bên ALSc, sau đó đến làm thủ tục hải quan. Sau khi bộ phận hải quan xét duyệt xong, các forwarder và khách hàng lẻ đến đỗ ở các dock, làm thủ tục giao hàng, chấp nhận hàng, an ninh soi chiếu tại đây, sau khi soi chiếu xong thì hàng sẽ được lưu tại kho của ALSc, kết thúc quy trình gửi hàng. Đối với người đi nhận hàng, sau khi ALSc khai thác hàng xong, hàng hóa sẽ được lưu kho, khách hàng sẽ lên tầng ba của ALSc để lấy phiếu xuất kho, qua bộ phận hải quan làm các thủ tục hải quan thông quan. Sau khi đạt được những yêu cầu từ bộ phận hải quan, khách hàng quay lại tầng 2 đề nghị thông quan giám sát, kiểm hóa, sau đó mới quay lại quầy trả hàng, nhân viên ALSc căn cứ vào các giấy tờ sẽ làm thủ tục trả hàng cho khách, khách nhận hàng và vận tải về, kết thúc một quy trình nhận hàng nhập.

Có thể nhận thấy, lợi thế của ALSC là nằm tại khu vực sân đỗ nên tiếp kiệm được rất nhiều thời gian phục vụ hàng hóa. Hơn nữa, ALSC đầu tư trang thiết bị hiện đại giúp làm giảm số lượng nhân sự làm việc trực tiếp, lượng nhân sự đáp ứng vừa đủ để làm việc với các hãng hàng không. Ngoài ra, các hệ thống khai thác hàng hóa, chu trình hướng dẫn của ALSc có lưu với các kho hàng không kéo dài nên thuận tiện hơn trong việc liên kết với kho để khai thác và giao nhận hàng hóa nhanh hơn các đơn vị cùng ngành khác. ALSc cũng phát huy điểm mạnh của các thiết bị tân tiến là chú trọng an ninh hàng hóa trong bối cảnh yêu cầu khắt khe của các đối tác như Samsung và Microsoft. Để đáp ứng sự tin cậy và linh hoạt đối với khách hàng, ALSC phục vụ duy trì hoạt động 24/7, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu gửi và nhận hàng từ phía đối tác.


Trả lời cho thắc mắc của ông Trần Thanh Hải, về câu hỏi: “Tại sao lại dùng cụm từ “chấp nhận hàng hóa”- một từ thường dùng cho các cơ quan quản lí liệu có phải là sẽ chính xác hơn? Đại diện lãnh đạo ALS cho biết, các thuật ngữ dùng trong quy trình là tuân theo đúng yêu cầu của IATA, các tài liệu hướng dẫn, quy định quy chuẩn của vận tải hàng không. Bản chất của “chấp nhận” hàng hóa là các đại lý đến ALS bàn giao hàng hóa tại khu vực chấp nhận hàng, nhân viên của hàng hóa hàng không kiểm đếm đúng kiện hàng hay không, đo lại thông tin trên vận đơn có chính xác chưa, tiêu chuẩn đóng gói kiện hàng có đạt tiêu chuẩn của IATA hay chưa, sau đó mới được đồng ý chấp nhận hàng và tiến hành lưu kho. Thuật ngữ này được dịch từ cụm từ “Cargo Acceptance” trong quy định của IATA, tuy nhiên ông Hải cho rằng việc sử dụng nghĩa tiếng việt là “chấp nhận” sẽ mất đi tính thân thiện đối với khách hàng của người cung cấp dịch vụ uy tín như ALS.

PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương – Phó Khoa KT&KDQT, Đại học Ngoại Thương cũng đặt câu hỏi, đồng thời nhận xét về hoạt động của ALS rằng ALS mới chỉ dừng lại ở việc thực hiện các dịch vụ tại sân bay thì nếu như khách hàng là một doanh nghiệp xuất khẩu, ủy thác cho ALS làm trọn gói các thủ tục, tức là hoạt động kéo dài hơn mà không chỉ tại sân bay thì liệu ALS có đáp ứng được hay không. Trả lời về vấn đề này, đại diện ALS giải đáp rằng các hoạt động của ALS sẽ theo sát và phụ thuộc vào chiến lược của doanh nghiệp là chuyên biệt hóa, khai thác hoạt động chính tại sân bay. Các dịch vụ được gợi ý như làm thay nhiệm vụ của một forwarder thì ALS hoàn toàn có thể khai thác được. Tuy nhiên, điều này sẽ gây ra vấn đề xung đột về mặt lợi ích bởi hầu hết các khách hàng của ALS là các forwarder, là những người lấy hay gom hàng lẻ để gửi vào kho của ALS, nếu ALS có động thái khai thác mắt xích này nghĩa là đã “lấn sân” và trở thành đối thủ cạnh tranh của chính các khách hàng của mình đồng thời cũng khó phân định điểm nào sẽ là biên giới nhiệm vụ cho Forwarder và ALS. 


Đồng tình với câu trả lời này, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương cũng nhận xét rằng nếu xét trong một chuỗi cung ứng có ALS tham gia sẽ có nhiều mắt xích nhỏ, và điều này, tất yếu sẽ đem lại chi phí lớn hơn cho khách hàng cuối cùng bởi các dịch vụ gia tăng thêm. Hơn thế nữa, về bản chất thì các công ty giao nhận và ALS nằm trong cùng một thị trường, cùng cung cấp dịch vụ như nhau thì phải chịu sự cạnh tranh tự nhiên này hoặc hình dung mình giống như như những nhà bán lẻ hoạt động cũng với những đại lí bán buôn như ALS. Mặc dù vậy, đại diện ALS cũng chia sẽ rằng một nguyên nhân khách quan khác là hiện trạng hạ tâng cơ sở còn manh mún, quỹ đất mở rộng không có nhiều để phát triển thêm. Lấy ví dụ như mô hình ở một số nước có các trung tâm logistics lớn phát triển như Singapore và Đức, nhà nước hỗ trợ quỹ đất để doanh nghiệp đưa máy móc thiết bị vào lắp đặt để các bên có thể cùng tham gia vận hành một cách hiệu quả, hợp lí và tiết kiệm chi phí tối ưu. ALS cũng rất mong thông qua những đề án và quyết định của chính phủ về xây dựng trung tâm logistics sẽ cải thiện được những lỗ hổng này và giúp các doanh nghiệp hợp tác với nhau được chặt chẽ, đồng bộ hơn.

Đào tạo

Bên cạnh các dịch vụ về logistics hàng không, ALS cũng cung cấp 5 nhóm sản phẩm dịch vụ đào tạo chuyên ngành:

1.    Đào tạo nhân viên hàng không bao gồm đào tạo nghiệp vụ dành cho các doanh nghiệp phục vụ tại mặt đất trong lĩnh vực hàng không.
2.    Chương trình đào tạo thực tập sinh cho nhóm đối tượng là sinh viên về các kiến thức thực tế trong ngành hàng không.
3.    Chương trình đào tạo các chứng chỉ quốc tế về đạo tạo nghiệp vụ hàng không của FIATA, chứng chỉ logistics quốc tế hoặc liên kết với các trường đại học quốc tế.
4.    Các chương trình đào tạo bản quyền của ALS do trực tiếp các cán bộ tại ALS thiết kế
5.    Nâng cao năng lực hoạt động tổ chức

Các đại diện từ phía ALS cũng bày tỏ mong muốn hợp tác phát triển đội ngũ giảng dạy tại các chương trình của ALS cũng như sự hợp tác phát triển kĩ năng kinh nghiệm thực tế cho sinh viên các trường đại học thông qua các chương trình này để đào tạo được nguồn nhân lực tốt nhất cho ngành logistics của Việt Nam.

Ga hàng hóa hàng không kéo dài

Sau khi kết thúc cuộc gặp gỡ tại cảng hàng hóa sân bay quốc tế Nội Bài, đoàn thăm quan cùng đại diện ALS đến thăm quan công ty ALSE tại trụ sở VSIP Bắc Ninh, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, phía đại diện ALSE tiếp đón và dẫn đoàn tham quan đến phòng họp lớn để giới thiệu về chức năng và nhiệm vụ cùng các hoạt động chính diễn ra tại ga hàng hóa hàng không kéo dài. Một số điểm lưu ý về hoạt động tại ALSE như sau:
  • Trách nhiệm của khách hàng sẽ chấm dứt tại nhà máy, ngay sau khi bàn giao hàng hóa cho ALSE
  • ALSE cam kết 5 giờ sau khi hàng xuống sân bay khách hàng sẽ nhận được hàng
  • Việc soi chiếu sẽ diễn ra tại kho của ALSE thay vì tại sân bay, điều này sẽ làm giảm ùn tắc trong việc kiểm soát hàng hóa tại sân bay.
  •  Khách hàng có thể tiến hành gửi nhận hàng lưu kho và làm thủ tục hải quan tại ALSE dẫn đến tiết kiệm thời gian chờ đợi và xoay vòng vận chuyển cho khách hàng.


Điểm đến cuối cùng của đoàn tham quan là nơi lưu kho, kiểm hóa hàng nhận và xuất tại tầng 1 của ALSE. Tại đây, bộ phận hải quan chức năng được bố trí phí trước cửa kho hàng, làm nhiệm vụ kiểm tra các nhân viên điều khiển phương tiện bốc dỡ ra vào bên trong kho hàng hóa để tiến hành xếp dỡ, đồng thời kiểm soát các đối tượng ra vào kho và khu vực soi chiếu hàng hóa xuất nhập. Các thành viên trong đoàn cũng được đưa vào phòng hệ thống máy chứng kiến thao tác của các nhân viên kĩ thuật quản lí hàng trong kho và lượng hàng ra vào ALSE để đảm bảo kết nối dữ liệu đồng bộ với ALS mẹ, đồng thời giúp khách hàng theo dõi được tiến độ bốc dỡ hàng hóa, các đơn và kiện hàng hoàn thành thủ tục thông qua hệ thống thông tin chặt chẽ của ALS.

Người tổng hợp – ghi báo cáo: Nguyễn Thị Nga – Đại học Ngoại thương

0 Response to "BÁO CÁO THỰC ĐỊA HOẠT ĐỘNG LOGISTICS TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN LOGISTICS HÀNG KHÔNG - ALS"

Đăng nhận xét

Xem nhiều nhất

Xem nhiều nhất trong tháng